Lợi nhuận ngân hàng đang 'ăn trước trả sau'
Thời gian qua, không ít ý kiến cảm thấy không hài lòng khi nền kinh tế đang gặp khó khăn trước những tác động của dịch COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp phá sản nhưng các ngân hàng vẫn báo lãi lớn.
Trong buổi tọa đàm “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cũng nói lên ý kiến rằng lợi nhuận các ngân hàng công bố thời gian qua là rất lớn.
Một mặt, ông Kỳ công nhận ngành ngân hàng đã vất vả để có lãi, nhưng trong khi doanh nghiệp khốn đốn mà ngân hàng công bố lãi lớn thì tự nhiên cảm thấy phản cảm.
"Doanh nghiệp cũng như ngân hàng, lúc này chúng ta nên chia sẻ với nhau. Sản phẩm ngân hàng là tiền, chúng tôi dùng oxy đó để thở. Chỉ mong các ngân hàng hãy cố thêm tí nữa chia sẻ cho doanh nghiệp, hãy giúp rồi hãy giúp nữa, làm sao cho doanh nghiệp đứng lại được, thở được, đi lại được, kiếm lợi cho doanh nghiệp và cho chính ngân hàng", Chủ tịch HĐQT Vietravel nói.
Song, cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết ngành ngân hàng đã tích cực hỗ trợ người dân thời gian qua trong bối cảnh dịch bệnh.
Tính đến ngày 31/8, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng. Lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại từ 23/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng, tương đương 5,26% tổng dư nợ toàn hệ thống (9,87 triệu tỷ đồng).
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã liên tiếp giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5 - 2,0%/năm, tạo điều kiện cho nhà băng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp. Thậm chí, sau khi vận động từ hồi tháng 7 tới nay, 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất đã giảm hơn 8.800 tỷ đồng cho các khách hàng.
Mặt khác, Tổng Thư ký VNBA khằng định ngân hàng và doanh nghiệp là quan hệ cộng sinh. Do đó, doanh nghiệp mà khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn, nhưng ngân hàng sẽ khó khăn về sau.
"Ngân hàng đã hiểu cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng cần phải hiểu cho ngân hàng", ông Hùng nói.
Tổng thư ký VNBA thừa nhận rằng hiện nay có một số ngân hàng kinh doanh hiệu quả và có lãi cao so với trước. Nhưng vấn đề cần đặt ra là nguyên nhân nào có lãi và lợi nhuận đó có bền vững không?
Kể cả các doanh nghiệp hiện nay có dư nợ nhóm 1, chưa thu lãi thì phần lãi đó đã vẫn tính vào doanh thu của ngân hàng. Tỷ lệ này chiếm tới 20% tổng dư nợ của ngành. Do đó, lợi nhuận của các ngân hàng bây giờ có thể nói là “ăn trước trả sau”, theo nhận địn ông Hùng.
Bên cạnh đó, áp lực trích dự phòng rủi ro của các TCTD đối với các khoản nợ cơ cấu cho khách hàng là rất lớn. Theo thông tư 14, các ngân hàng bắt buộc phải trích 30% dự phòng phần dư nợ tái cơ cấu trước cuối năm nay và 100% cho năm 2023. Ngoài ra, trong tình hình như hiện tại, nợ bình thường còn khó thu chưa nói đến nợ xấu.
Chia sẻ thêm, ông Hùng cho rằng các ngân hàng luôn phải thực hiện theo luật pháp. Theo đó, các tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục là luật quy định, ngân hàng không thể vượt luật để làm.
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn
Từ những khó khăn trên, đại diện các ngân hàng thương mại đã có kiến nghị đến Chính phủ xem xét kiến nghị Quốc hội cho phép ban hành Luật xử lý nợ xấu, làm cơ sở đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD theo hướng tăng tính tự chủ cho các TCTD; thống nhất, đồng bộ cơ chế pháp lý giúp các TCTD cho vay an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó, xem xét ban hành Nghị định về khoanh nợ đối với số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tương tự như Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ.
“Để phù hợp với tình hình hiện tại, có thể chỉ cần khoanh nợ gốc. Theo đó, doanh nghiệp không phải trả nợ gốc, chỉ phải trả lãi vay. Có như vậy ngân hàng mới tiếp tục có nguồn lực và hỗ trợ được doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng sau khi kiểm soát được dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh”, ông Hùng kiến nghị.
Ngoài ra, ông cũng kỳ vọng khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp, khung pháp lý về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ sẽ sớm hoàn thiện; tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai.