|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Lời nguyền tuổi 35' của kỹ sư IT

07:38 | 04/12/2024
Chia sẻ
Sau 10 năm làm cho một doanh nghiệp công nghệ, Thế Hoàng (Đà Nẵng) nhận thông báo nằm trong diện nghỉ việc vì "công ty đang gặp khó khăn".

"Tôi từng nghĩ vị trí của mình khó bị lung lay vì đã gắn bó, trải qua nhiều thăng trầm cùng công ty", anh Hoàng, 37 tuổi, nói sau khi bị sa thải hồi tháng 8.

Anh cho biết, với trình độ chuyên môn tốt và có kinh nghiệm lập trình, anh từng được ban giám đốc đề xuất lên vị trí quản lý. Tuy nhiên, anh được yêu cầu phải học nâng cao tiếng Anh, thêm chứng chỉ và bằng cấp về quản lý. Anh bỏ qua và hài lòng với vị trí nhân viên.

"Ban đầu, tôi khá sốc, nhưng nghĩ với chuyên môn của mình, tìm công việc mới phù hợp chỉ là vấn đề thời gian", anh cho hay.

Anh sau đó chuẩn bị 5 bộ hồ sơ "rải" ở các công ty lớn với yêu cầu mức lương tương đương ở công ty cũ. Tuy nhiên, đa số từ chối, thậm chí không email phản hồi. Một tháng sau, anh tiếp tục nộp hồ sơ đến các công ty nhỏ hơn, nhưng cũng không thành công. Một nhà tuyển dụng nói anh không đạt tiêu chí "dưới 35 tuổi" và chỉ tuyển nếu chấp nhận giảm một nửa mức lương đề xuất. Hiện anh tham gia một số dự án gia công cho nước ngoài, chưa tìm được công việc ổn định.

Mô tả môi trường làm việc trong ngành công nghệ Trung Quốc dưới góc nhìn của các nhà quản lý. Ảnh: Thechinaproject

Trong khi đó, Minh Thuần, 36 tuổi ở TP HCM, cũng nghỉ việc cuối tháng 6 vì mâu thuẫn với sếp. Có kinh nghiệm gần 15 năm về bảo mật hệ thống, anh tự tin sớm kiếm được vị trí mới với "lương gấp đôi" ở công ty cũ. Thế nhưng, sau gần nửa năm, anh "rải" hàng chục đơn xin việc nhưng chưa thể tìm công việc ưng ý.

Để duy trì cuộc sống và nuôi hai con, anh Thuần hiện chạy xe ôm công nghệ ban ngày và nhận các dự án làm thêm vào ban đêm. Anh cho biết số tiền kiếm được đủ sống, nhưng luôn cảm thấy bấp bênh.

Theo ông Hùng Tâm, chuyên gia về tuyển dụng tại Đà Nẵng, một nguyên nhân lớn cho việc khó tìm công việc như ý, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, là vấn đề tuổi tác. "Rất khó so sánh trình độ giữa một người lớn tuổi và trẻ tuổi. Lớn tuổi có kinh nghiệm, nhưng không nhanh nhạy với công nghệ mới bằng người trẻ. Khác với những ngành khác, công nghệ liên tục thay đổi, nhất là trong thời AI", ông nói. "Trong khi đó, người nhiều tuổi khi xin việc lại thường mong muốn mức lương cao tương xứng với kinh nghiệm, còn nhà tuyển dụng lại không trả được, khiến hai bên không có tiếng nói".

Trong các bài rao tuyển lập trình viên, kỹ sư IT, yêu cầu "dưới 35" cũng thường được nhắc đến. Theo ông Tâm, nhà tuyển dụng chủ yếu tuyển vị trí lãnh đạo đối với người trên 35 tuổi. "Vị trí lãnh đạo vốn ít, bên cạnh đó không phải ai cũng từng làm lãnh đạo để ứng tuyển, thành ra nhiều tuổi nhưng kinh nghiệm quản lý gần như không có", ông giải thích.

 

Tại Việt Nam, chưa có thống kê cụ thể về tình trạng kỹ sư công nghệ khó xin việc sau 35 tuổi. Tuy nhiên, ở một số nơi như Trung Quốc, thuật ngữ "lời nguyền tuổi 35" (curse of 35) đã trở nên phổ biến.

Lời nguyền tuổi 35 ban đầu lan truyền trên mạng xã hội sau khi có thông tin các công ty công nghệ lớn có xu hướng sa thải nhân viên lớn tuổi. Khảo sát của nền tảng tuyển dụng Lagou Zhaopin năm 2022 cho thấy 87% lập trình viên "rất lo lắng" về nguy cơ bị sa thải hoặc không tìm được việc làm mới khi bước sang tuổi 35.

Theo CNN, bất kỳ ai nghi ngờ về sức mạnh của lời nguyền chỉ cần nhìn vào vô số danh sách việc làm trực tuyến và website tuyển dụng. Hầu hết nêu rõ ứng viên không được quá 35 - độ tuổi nhiều chuyên gia gọi là bước vào giai đoạn "trung niên".

FT cho biết "lời nguyền tuổi 35" từ lâu đã ám ảnh người lao động trong ngành nghề trí óc, khi nhiều nhân viên lớn tuổi không muốn làm nhiều giờ vì còn trách nhiệm gia đình, nhưng cũng e ngại vị trí quản lý. Khi lĩnh vực công nghệ ngày càng bị đe dọa bởi AI và cắt giảm nhân sự để tăng tính hiệu quả, lao động lớn tuổi được cho là đặc biệt dễ bị tổn thương.

"Chủ nghĩa phân biệt tuổi tác trong mảng công nghệ là một vấn đề lớn. Có quan niệm người lao động lớn tuổi không theo kịp sự phát triển nhanh của công nghệ mới, họ không có đủ năng lượng để tiếp tục làm việc chăm chỉ trong khi mức lương tính theo thâm niên dành cho họ lại cao hơn", luật sư Yang Baoquan tại Bắc Kinh nói với FT.

Các công ty công nghệ Trung Quốc cũng không giấu việc ưu tiên người lao động trẻ, chưa lập gia đình. Năm 2019, Chủ tịch Tencent Martin Lau công bố kế hoạch cải tổ 10% nhà quản lý của công ty, nói "công việc của họ sẽ được những người trẻ hơn, những đồng nghiệp mới đam mê hơn đảm nhiệm".

Trong thư nội bộ cũng được công bố năm 2019, CEO Baidu Robin Li đưa ra kế hoạch giúp công ty "trở nên trẻ trung hơn bằng cách thăng chức cho nhiều nhân viên sinh sau năm 1980 và 1990".

"Trong độ tuổi từ 20 đến 30, hầu hết đều tràn đầy năng lượng. Bạn sẵn sàng tiến về phía trước và cống hiến vì công ty. Nhưng một khi bạn trở thành cha mẹ và cơ thể bắt đầu lão hóa, làm sao bạn theo kịp lịch trình 996?", một cựu giám đốc của nền tảng Meituan nói về văn hóa 996 - thuật ngữ mô tả lịch làm việc từ 9h sáng đến 9h tối và 6 ngày mỗi tuần phổ biến tại các công ty công nghệ Trung Quốc.

Theo giới chuyên gia, kỹ sư IT trên 35 tuổi chỉ có cách trau dồi kỹ năng để phù hợp với thời đại. "Thậm chí, họ cần loại bỏ yếu tố thâm niên để làm lại từ đầu, như thời còn trẻ", một chuyên gia bình luận.

Bảo Lâm