|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Logo ngân hàng 'lạ' xuất hiện trên tòa nhà sau khi Sunshine Group góp mặt tại Kienlongbank

10:00 | 25/02/2021
Chia sẻ
Sự xuất hiện của logo KSBank cùng với những diễn biến nhân sự cấp cao có liên quan tại Kienlongbank đã khiến nhiều người đồn đoán về một sự thay đổi nhận diện thương hiệu của ngân hàng.

Kienlongbank đổi tên sau khi có chủ tịch mới?

Logo thương hiệu KSBank xuất hiện trên một toà nhà trên đường Phạm Hùng, Hà Nội đang khiến nhiều người dự đoán cho một gương mặt mới trong hệ thống các ngân hàng Việt.

Đáng chú ý, đây lại là toà nhà của Tập đoàn Sunshine và trước đó một loạt thay đổi nhân sự có bóng dáng của Sunshine đã diễn ra tại Kienlongbank.

Thông tin đồn đoán trên thị trường rằng KSBank có thể sẽ là thương hiệu nhận diện mới của Kienlongbank trong thời gian tới.

Kienlongbank vướng nghi vấn đổi tên sau khi có chủ tịch mới - Ảnh 1.

Logo thương hiệu một ngân hàng mới xuất hiện trên tòa nhà của Sunshine Group. (Ảnh: Kinh tế & Đô Thị).

Chia sẻ trên Báo Đầu tư, ông Lê Hồng Phương, Chủ tịch HĐQT KienlongBank, phủ nhận thông tin sẽ đổi tên ngân hàng. Tuy vậy, ông Phương cũng thừa nhận, KienlongBank đang có một số thay đổi và KSBank là nhãn hiệu ngân hàng số mà ngân hàng này vừa ra mắt nằm trong chiến lược này. Những thay đổi tiếp theo sẽ được công bố thời gian tới.

Theo tìm hiểu của người viết, KSBank từng là sản phẩm ngân hàng số được Sunshine Group giới thiệu trong Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo. Tại sự kiện này, Sunshine Tech đã đưa ra nền tảng giao dịch số cho ngân hàng (digital banking) KSBank cung cấp cho người dùng trải nghiệm giao dịch ngân hàng ảo qua ứng dụng di động.

Kienlongbank vướng nghi vấn đổi tên sau khi có chủ tịch mới - Ảnh 2.

Hình ảnh ngân hàng số được Sunshine giới thiệu tại triển lãm công nghệ. (Ảnh chụp màn hình)

Kienlongbank vướng nghi vấn đổi tên sau khi có chủ tịch mới - Ảnh 3.

KSBank là ngân hàng số được Sunshine phát triển. (Ảnh chụp màn hình: trên website Sunshine Group).

Trên website của Sunshine Group, Tài chính là một trong những lĩnh vực mà tập đoàn sẽ tập trung phát triển với sản phẩm công nghệ cao gồm các thương hiệu như KSFinance, KSBank,...

Vào cuối tháng 1, đại hội đồng cổ đông bất thường của Kienlongbank đã miễn nhiệm một thành viên HĐQT và bầu bổ sung hai thành viên là bà Trần Thị Thu Hằng (CEO của Sunshine Group) và ông Lê Hồng Phương.

Ông Lê Hồng Phương sau đó đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT Kienlongbank kể từ ngày 1/2/2021 thay cho ông Lê Khắc Gia Bảo. Trước đó, ông Phương từng là Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank,…

Bà Trần Thị Thu Hằng hiện giữ cương vị Tổng Giám đốc điều hành CTCP Tập đoàn Sunshine (Sunshine Group) và Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư SIPT. Bà Hằng từng đảm nhiệm các chứng vụ quan trọng tại LienVietPostBank và Maritime Bank (nay là MSB).

Giai đoạn 2019 - 2020, bà Hằng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và từng giữ các vị trí quan trọng như Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sunshine Homes, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư thương mại Sunshine Tech.

Biến động cơ cấu sở hữu

Trong một diễn biến có liên quan khác, trong quý cuối năm và trước kỳ đại hội đồng cổ đông bất thường đã có hơn 126 triệu cổ phiếu KLB được "sang tay".

Cụ thể, lũy kế từ ngày 30/10 đến 22/11, đã có tổng cộng hơn 126 triệu cổ phiếu KLB được giao dịch thỏa thuận, tương ứng với giá trị đạt hơn 1.730 tỉ đồng. Khối lượng giao dịch thỏa thuận trên đã bằng 39% tổng số cổ phần đang lưu hành trên thị trường của Kienlongbank. 

Mặc dù điều này chưa đủ để khẳng định hơn 1/3 cổ phiếu KLB tự do chuyển nhượng đã đổi chủ nhưng nó cho thấy sự biến động về cơ cấu cổ đông Kienlongbank trong thời gian qua.

Cũng trong tháng 11 và 12/2020, thị giá của cổ phiếu KLB tăng vọt từ 12.200 đồng lên 21.700 đồng/cp (giá đóng cửa ngày 24/12), tương đương tăng 78%. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/2, thị giá cổ phiếu KLB dừng lại ở mức 17.100 đồng/cp, giá trị vốn hoá thị trường đạt hơn 5.470 tỷ đồng.

Kienlongbank vướng nghi vấn đổi tên sau khi có chủ tịch mới - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu KLB trong thời gian gần đây. (Nguồn: Trading View).

Trong năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank đạt 158 tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2019 và thực hiện được 21% kế hoạch đề ra. 

Trong 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng Kielongbank đã tăng lên gần gấp đôi so với cùng kỳ 2019 do phải trích lập cho khoản nợ có khả năng mất vốn của một nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank theo quyết định chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Đến cuối năm 2020, dư nợ các khoản cho vay của nhóm khách hàng trên đã giảm gần 354 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý III/2020. Do đó, nhiều khả năng Kienlongbank đã xử lý một phần khoản nợ thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank nên ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng và giảm 354 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn trong quý IV.

Năm 2021, Kienlongbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản hợp nhất đạt 66.800 tỷ đồng (tăng 16,62%); huy động thị trường 1 đạt 50.295 tỷ đồng (tăng 16,52%); dư nợ cấp tín dụng đạt 44.600 tỷ đồng (tăng 28,47%). Đồng thời, mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng dịch trên cả nước lên 150 điểm giao dịch, tăng 16 đơn vị so với năm trước.

Diệp Bình