|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Loạt doanh nghiệp xin lùi trả cổ tức do khó khăn tài chính

20:50 | 09/10/2023
Chia sẻ
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã thông báo lùi thời gian trả cổ tức, có đơn vị lùi tới 2 năm thậm chí xin hủy phương án chia cổ tức cho cổ đông.

Tháng trước, Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC - Mã: IJC) đã thông qua việc thay đổi thời gian thanh toán cổ tức năm 2022 từ ngày 6/10 sang ngày 20/12.

Nguyên nhân công ty đưa ra là do tình hình kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, thu hồi nợ chậm nên công ty chưa đủ nguồn tiền để trả cổ tức.

Becamex IJC dự kiến trả cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 14% (1 cổ phiếu nhận được 1.400 đồng). Với hơn 251 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi hơn 352 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông.

Tính đến cuối tháng 6, cổ đông lớn nhất của Becamex IJC là Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex - Mã: BCM) với tỷ lệ nắm giữ 49,76% vốn điều lệ.

Ở diễn biến khác, CTCP Licogi Quảng Ngãi (Mã: LQN) cũng đã thông báo việc điều chỉnh thời gian tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2015 bằng tiền đến 30/9/2025, thay vì ngày chi trả là 29/9/2023, tức dời hơn 2 năm.

Theo kế hoạch ban đầu, ngày thanh toán tạm ứng cổ tức đợt 2/2015 tỷ lệ 5% bằng tiền của Licogi Quảng Ngãi là 20/6/2019 nhưng việc chi trả đã bị lùi đến 6 lần. Lần 1 bị lùi đến ngày 30/9/2019, lần 2 đến 30/6/2020, lần 3 đến 31/12/2020, lần 4 đến 30/9/2021 và lần 5 đến 29/9/2023. Lần điều chỉnh sang năm 2025 là lần thay đổi thứ 6 của công ty đối với đợt cổ tức trên.

Công ty cho biết đã cố gắng làm việc với đối tác để có nguồn tiền, tuy nhiên, do tình hình khó khăn kéo dài, các khoản phải thu dự kiến từ đối tác không đúng như kỳ vọng, cần có thêm nhiều thời gian để cân đối nguồn tiền mặt.

Ngoài việc chậm trả cổ tức, báo chí cũng đưa tin Licogi Quảng Ngãi nợ lương và bảo hiểm của nhân viên trong thời gian dài.

Từ lúc lên sàn UPCoM, kết quả kinh doanh của công ty ảm đạm, thua lỗ ba năm liên tiếp từ năm 2020 đến 2022. Tính đến hết 31/12/2022, lỗ lũy kế của Licogi Quảng Ngãi hơn 29 tỷ đồng, khiến vốn góp chủ sở hữu âm hơn 7 tỷ đồng.

Năm 2023, Licogi Quảng Ngãi lên kế hoạch doanh thu thuần 46 tỷ đồng, gấp gần 3 lần thực hiện năm 2022. Công ty kỳ vọng có lãi trước thuế 500 triệu đồng so với mức lỗ 10,5 tỷ đồng của năm ngoái.

Trên thị trường, cổ phiếu LQN còn 2.300 đồng/cp chốt phiên 9/10, và hầu như không có thanh khoản.

Kể từ khi lên UPCoM, Licogi Quảng Ngãi liên tiếp thua lỗ. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty). 

CTCP Cà phê Thuận An (Mã: TAN) cũng vừa thông báo dời ngày thanh toán cổ tức bằng tiền năm 2022, từ 13/10/2023 thành 28/3/2024, tức trễ hơn hơn 5 tháng.

Cà phê Thuận An cho biết trên cơ sở cân đối nguồn tài chính, công ty không thể đáp ứng chi trả đúng thời hạn 13/10, nên xin được gia hạn thời gian trả cổ tức cho cổ đông.

Theo kế hoạch ban đầu, Cà phê Thuận An chốt quyền trả cổ tức năm 2022 vào ngày 27/9 với tỷ lệ 12,8% bằng tiền (1.280 đồng/cp). Ước tính với 1,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Cà phê Thuận An cần chi hơn 2 tỷ đồng để hoàn tất đợt chi trả này. Đây cũng là lần đầu tiên chi trả cổ tức cho cổ đông của doanh nghiệp này kể từ khi giao dịch trên sàn UPCoM (năm 2019).

Theo báo cáo tài chính năm 2022, cổ đông lớn nhất của Cà phê Thuận An là ông Trần Quang Hiền với tỷ lệ nắm giữ 22,31% vốn điều lệ, ông Hoàng Hải nắm 21,68%, ông Trần Đình Thuận giữ 16,95%, UBND tỉnh Đắk Nông góp 5% vốn điều lệ, còn lại là các cổ đông khác.

Một công ty khác đang giao dịch trên UPCoM là CTCP Đầu tư và Xây lắp Constrexim số 8 (Mã: CX8) cũng thông báo lùi thời gian trả cổ tức năm 2022 bằng tiền. Thời gian thay đổi từ 29/9 sang ngày 26/10.

Việc điều chỉnh theo công ty là do một số phát sinh ngoài dự kiến, nguồn tiền thu từ các công trình không đúng như kế hoạch thu hồi vốn nên cần thêm thời gian cân đối nguồn vốn để không làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của Constrexim số 8 đã thông qua chia cổ tức năm 2022 là 1,5% bằng tiền. Thời gian thanh toán trong quý III/2023.

Trong ngày 1/11 - 10/11, CTCP Khoáng sản Miền Đông AHP (Mã: BMJ) sẽ thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về một số vấn đề, bao gồm việc hoãn chi trả cổ tức bằng tiền năm 2022. Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của công ty đã thông qua việc chia cổ tức năm 2022 bằng tiền theo tỷ lệ 5% (500 đồng/cp).

Một số công ty thay đổi thời gian thanh toán hoặc hủy cổ tức thời gian gần đây. (Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của công ty).

Trong thông báo công bố vào tháng 6, CTCP Đầu tư Phát triển và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico - Mã: SJS) cho biết sẽ lùi thời gian thanh toán cổ tức bằng tiền các năm 2016 - 2017 từ ngày 30/6/2023 sang ngày 31/12/2024 với lý do tình hình tài chính còn khó khăn, công ty chưa thu xếp được nguồn tiền. Tính đến nay, công ty này đã có 7 lần xin khất nợ cổ tức năm 2016 so với thời gian thanh toán ban đầu là 25/1/2018. Tổng tỷ lệ cổ tức cả hai năm 2016 - 2017 là 20% bằng tiền.

Không những xin dời thời gian chi trả cổ tức, có trường hợp còn xin dừng luôn việc thanh toán. CTCP Lương thực Bình Định (Bidifood - Mã: BLT) vừa công bố nội dung lấy ý kiến cổ đông về việc ngừng chi trả cổ tức còn lại của năm 2022. Theo kế hoạch, công ty còn cần phải trả 140,5% cổ tức tiền mặt (14.050 đồng/cp).

Tuy nhiên, Bidifood cho biết "tình hình tài chính của công ty đang rất khó khăn, không có nguồn vốn để chi trả phần cổ tức còn lại". Với mặt hàng kinh doanh chính là nông sản, công ty cần phải dự trữ 3.000 tấn gạo và cần phải huy động vốn cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản. Điều này khiến công ty xin cổ đông chấp thuận không chi trả cổ tức còn lại như kế hoạch.

ĐHĐCĐ năm 2023 đã thông qua tỷ lệ cổ tức năm 2022 là 170,5% bằng tiền, tuy nhiên HĐQT Bidifood đang xin ý kiến cổ đông dừng việc chi trả 140,5% tiền mặt còn lại. (Nguồn: Tổng hợp từ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên).

Minh Hằng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.