Lộ trình bỏ thuốc kháng sinh trong chăn nuôi đến năm 2025 có khả thi?
Tại Hội thảo thống nhất một số nội dung của Nghị định hướng dẫn Luật Chăn nuôi, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi ông Nguyễn Xuân Dương cho biết hiện nay Dự thảo Luật Chăn nuôi đã có lộ trình dần bỏ thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và sẽ kết thúc vào năm 2025.
Nhóm kháng sinh | Thời hạn kết thúc sử dụng |
---|---|
Cực kỳ quan trọng | 31/12/2020 |
Rất quan trọng | 31/12/2021 |
Quan trọng | 31/12/2022 |
Thuốc kháng sinh cho vật nuôi | 31/12/2025 |
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết đây là những nhóm kháng sinh theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành.
Hội thảo thống nhất một số nội dung của Nghị định hướng dẫn Luật Chăn nuôi. Ảnh: Đức Quỳnh
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng rất khó để có thể phân loại các nhóm kháng sinh đâu là quan trọng hay không quan trọng.
Do đó, ông Giang kiến nghị nên kéo dài lộ trình thực hiện vì hiện nay xu hướng thế giới cũng đang làm điều này.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cũng chỉ ra rằng việc phân loại mức độ quan trọng trong thuốc kháng sinh cũng chỉ là lí thuyết. Thực tế, chưa có văn bản danh mục các loại thuốc kháng sinh quan trọng hay cực kì quan trọng.
"Nếu đưa ra nghị định thực hiện lộ trình này chỉ có "bó tay", không thể nào làm được", ông Thành nói.
Ông Thành nói thêm chỉ cấm sử dụng thuốc kháng sinh trong phòng bệnh chứ không cấm trong trị bệnh: "Đối với động vật, chúng ta vẫn cứ dùng để phòng bệnh, sau này con vật bị bệnh thật thì sẽ không chữa được".
Đối với điều khoản "sử dụng kháng sinh nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm; thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ", đại diện Cục Thú y cho biết hiện chưa có lộ trình bỏ.
Theo ông Thành, trước đây khi có quy định về việc không cho kháng sinh trong thức ăn nuôi trồng thủy sản, nhiều người lo ngại rằng tôm, cá sẽ chết nhiều vì nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khi xuất khẩu, các sản phẩm nhiễm kháng sinh đều bị từ chối và cuối cùng phải dùng các biện pháp an toàn sinh học.
Việc cấm dần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi giúp vật nuôi "tập" quen dần, tăng sức đề kháng.
Bắc Giang muốn năm 2020 cắt hẳn việc sử dụng thuốc kháng sinh
Đại diện Chi Cục chăn nuôi tỉnh Bắc Giang cho biết thời gian qua, các hộ cũng đã giảm sử dụng thuốc kháng sinh. Các đại lí bán thuốc kháng sinh cũng phản ánh bán hàng chậm hơn, phần lớn sử dụng chế phẩm sinh học từ lúc sinh nở đến lúc xuất bán.
"Chúng tôi mong muốn đến năm 2020 cắt hẳn. Năm 2017, giá heo xuống đáy, người chăn nuôi gần như bỏ bê nhưng dịch bệnh gần như không xảy ra. Điều này cho thấy sử dụng kháng không phải yếu tố quyết định mà là chăn nuôi an toàn sinh học", đại diện Chi Cục chăn nuôi tỉnh Bắc Giang nói.
Giai đoạn con được sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh
Theo dự thảo Luật Chăn nuôi, tiêu chí đối với một số loại vật nuôi ở giai đoạn con non được sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh được quy định như sau:
Lợn con có khối lượng đến 25 kg hoặc từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi;
Gà, vịt, ngan, chim cút từ 01 đến 21 ngày tuổi;
Thỏ từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi;
Bê, nghé từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi.