|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lỡ hẹn cất cánh, Bamboo Airways tuyển thêm nhân sự, bổ sung ngành nghề kinh doanh

03:05 | 18/10/2018
Chia sẻ
Chiều 8/10, Bamboo Airways cho biết sẽ lùi ngày cất cánh sang cuối quý IV/2018 thay vì ngày 10/10 như kế hoạch trước đó. Sau sự kiện này, hãng bay của Tập đoàn FLC lại liên tục có nhiều hoạt động đáng chú ý.
lo hen cat canh bamboo airways tuyen them nhan su bo sung nganh nghe kinh doanh [Infographic] Bamboo Airways: Gập ghềnh một đường băng

Theo kế hoạch được lãnh đạo công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) và công ty mẹ là CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) công bố hồi tháng 7 năm nay, Bamboo Airways dự kiến có chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 10/10 năm nay.

Tuy nhiên ngày cất cánh dự kiến đến gần mà Bamboo Airways vẫn chưa được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Vì vậy chiều 8/10, hãng bay này phát đi thông cáo báo chí về việc lùi ngày cất cánh sang cuối quý IV/2018 thay vì ngày 10/10.

Lãnh đạo Cục Hàng không dân dụng cũng như Bộ Giao thông vận tải đã không ít lần lên tiếng ủng hộ nhưng hưa biết đến khi nào Bamboo Airways mới được cấp giấy phép bay cũng như chứng nhận khai thác tàu bay (AOC).

Trước đó, Bamboo Airways cũng đã một lần lỡ hẹn khi không thể mở bán vé vào ngày Quốc khánh 2/9 như kế hoạch.

Ngoài vấn đề về giấy phép, Bamboo Airways không thể không thể cất cánh theo dự kiến còn vì hãng này chưa nhận được tàu bay. Hãng này hiện mới làm thủ tục thuê ba tàu bay dạng thuê “ướt” (bao gồm cả đội bay), các máy bay này dự kiến sẽ về đến Việt Nam vào tháng 11. Còn các máy bay thuê “khô” (chỉ thuê máy bay) dự kiến về Việt Nam vào tháng 12.

Tuy kế hoạch cất cánh đã bị hoãn và tương lai còn chưa rõ ràng, Bamboo Airways gần đây có một số động thái mới đáng chú ý

Bamboo Airways thêm ngành kinh doanh mới: Vệ sinh chung nhà cửa; đào tạo sơ cấp, cao đẳng

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, ngày 9/10 – một ngày sau khi tuyên bố lùi kế hoạch cất cánh – Bamboo Airways được Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Bình Định cấp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, ngành nghề kinh doanh chính của Bamboo Airways vẫn là “Vận tải hàng hóa hàng không” (Mã ngành 5120) tuy nhiên số lượng ngành nghề kinh doanh tăng từ 91 lên 102.

Cụ thể, Bamboo Airways loại bỏ 6 ngành nghề và thêm mới 17 ngành nghề:

Mã ngành thêm mới

Tên ngành thêm mới

3512

Truyền tải và phân phối điện

4101

Xây dựng nhà để ở

4102

Xây dựng nhà không để ở

4211

Xây dựng công trình đường sắt

4212

Xây dựng công trình đường bộ

4221

Xây dựng công trình điện

4222

Xây dựng công trình cấp, thoát nước

4223

Xây dựng công trình viễn thông, thông tin liên lạc

4229

Xây dựng công trình công ích khác

4291

Xây dựng công trình thủy

4292

Xây dựng công trình khai khoáng

4293

Xây dựng công trình chế biến chế tạo

4299

Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác

5225

Hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ

8121

Vệ sinh chung nhà cửa

8531

Đào tạo sơ cấp

8533

Đào tạo cao đẳng

Mã ngành loại bỏ

Tên ngành loại bỏ

3510

Sản xuất, truyền tải và phân phối điện

4100

Xây dựng nhà các loại

4210

Xây dựng công trình đường sắt và đường bộ

4220

Xây dựng công trình công ích

4290

Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác

5221

Hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường sắt và đường bộ

Qua so sánh, chúng tôi nhận thấy một hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam là CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) không đăng ký kinh doanh bất kỳ ngành nào trong 17 ngành mà Bamboo Airways đăng ký mới. Một điểm khác biệt nữa là ngành nghề kinh doanh chính mà Vietjet đăng ký là Vận tải hành khách hàng không (Mã ngành 5110) trong khi ngành nghề kinh doanh chính mà Bamboo Airways đăng ký là Vận tải hàng hóa hàng không (Mã ngành 5120).

Giới thiệu mẫu thẻ lên tàu bay, tuyên bố đã tuyển dụng 1.000 cán bộ nhân viên

Tuy chưa được cấp phép bay và chưa nhận tàu bay thuê, Bamboo Airways đã thiết kế và giới thiệu thẻ lên tàu bay với màu sắc chủ đạo là xanh lá và xanh dương của bộ nhận diện thương hiệu.

lo hen cat canh bamboo airways tuyen them nhan su bo sung nganh nghe kinh doanh
Mẫu thẻ lên tàu bay (boarding pass) của Bamboo Airways.

Đồng thời, Bamboo Airways cũng tiết lộ hãng có khu văn phòng rộng hơn 1.200 m2 đặt tại khu Ngoại giao đoàn trên đường Võ Chí Công, Hà Nội và văn phòng khu vực miền Nam tại CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).

lo hen cat canh bamboo airways tuyen them nhan su bo sung nganh nghe kinh doanh
Hình ảnh đầu tiên về khu văn phòng của Bamboo Airways.

Theo Bamboo Airways, hãng hiện có hơn 1.000 cán bộ nhân viên tích cực chuẩn bị cho kế hoạch cất cánh trong năm nay. Toàn tập đoàn FLC với 15 công ty con hiện có khoảng 10.000 cán bộ nhân viên, như vậy riêng số nhân sự của Bamboo Airways chiếm khoảng 10% nhân sự toàn tập đoàn.

Trong số đội ngũ nhân sự của mình, Bamboo Airways cho biết có 300 tiếp viên đã qua đào tạo tại các trung tâm huấn luyện tại nước ngoài.

Theo kế hoạch công bố hồi tháng 4 năm nay, FLC cho biết hãng có nhu cầu tuyển dụng 600 vị trí trong đó có 250 tiếp viên. Có thể thấy con số nhân sự mà Bamboo Airways công bố mới đây đã vượt xa kế hoạch.

Gần đây nhất, hôm 16/10 Bamboo Airways công bố quyết định bổ nhiệm ông Adrian Hamilton – Manns, cựu giám đốc điều hành Radixx International khu vực châu Á vào vị trí Giám đốc Thương mại.

Radixx International được thành lập năm 1993, có trụ sở chính tại thành phố Orlando bang Florida, Mỹ. Công ty còn có văn phòng tại Ấn Độ và Nam Phi. Công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và cung cấp hệ thống đặt chỗ và kiểm soát cất cánh cho các hãng hàng không

Tháng 7 năm nay, Radixx International công bố hợp tác với hãng hàng không Cambodia Airways của Campuchia theo đó Radixx sẽ cung cấp các giải pháp phần mềm liên quan tới bán vé trực tuyến và dịch vụ khách hàng cho Cambodia Airways.

lo hen cat canh bamboo airways tuyen them nhan su bo sung nganh nghe kinh doanh
Ảnh: Radixx International.

Xem thêm

Kiên Dương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.