|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lộ diện tỉnh thành có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước năm 2020

17:48 | 22/05/2021
Chia sẻ
Trong danh sách 10 tỉnh thành có thu nhập bình quân đầu người cao nhất năm 2020, TP HCM chỉ đứng thứ hai với 6,5 triệu đồng một người/tháng, theo sau là Hà Nội với 5,9 triệu đồng một người/tháng.

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã gặp không ít khó khăn, thách thức do vừa phải chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội. 

Mặc dù thu nhập của dân cư giảm so với năm 2019 nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm do Chính phủ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, vẫn có sự cách biệt mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng. 

TP HCM và Hà Nội đều không phải thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất năm 2020 - Ảnh 1.

Thu nhập bình quân một người một tháng ở Việt Nam từ 2010 - 2020. (Nguồn: GSO. Biểu đồ: Như Ngọc).

Cụ thể, theo Khảo sát mức sống dân cư năm 2020, thu nhập bình quân (TNBQ) một người mỗi tháng chung cả nước năm 2020 là khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 2% so với năm 2019. 

Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, TNBQ đầu người/tháng chung cả nước tăng bình quân 8,1%. TNBQ một người/tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,5 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn là 3,4 triệu đồng. 

Nhóm hộ giàu nhất (gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có TNBQ một người mỗi tháng năm 2020 đạt 9,108 triệu đồng cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,1 triệu đồng. 

TP HCM và Hà Nội đều không phải thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất năm 2020 - Ảnh 2.

Thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2020 theo vùng. (Nguồn: GSO. Biểu đồ: Như Ngọc).

Vùng có TNBQ đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ, đạt 6 triệu đồng một người/tháng, cao gấp 2,2 lần vùng có TNBQ đầu người thấp nhất là vùng trung du và miền núi phía Bắc, chỉ đạt 2,7 triệu đồng một người/tháng.

Tỉnh thành có TNBQ đầu người cao nhất cả nước là Bình Dương, đạt 7 triệu đồng một người/tháng. Đứng thứ hai là TP HCM với 6,5 triệu đồng một người/tháng. Hà Nội ở vị trí thứ ba với 5,9 triệu đồng một người/tháng. Các tỉnh thành có TNBQ thấo nhất nước là Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên với mức thu nhập chưa đến 2 triệu đồng một người/tháng.

TP HCM và Hà Nội đều không phải thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất năm 2020 - Ảnh 3.

10 tỉnh thành có thu nhập bình quân đầu người cao nhất năm 2020. (Nguồn: GSO. Biểu đồ: Như Ngọc).

Trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,3%, thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 11,2%, thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,9%, thu khác chiếm 10,6%. 

Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ các hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm.

TP HCM và Hà Nội đều không phải thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất năm 2020 - Ảnh 4.

Cơ cấu thu nhập theo nguồn thu của người dân Việt Nam năm 2020. (Nguồn: GSO. Biểu đồ: Như Ngọc).

Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 là một cuộc điều tra để đánh giá mức sống, tình trạng nghèo đói và phân hoá giàu nghèo của dân cư theo hướng tiếp cận đa chiều, được tiến hành ở 63 tỉnh, thành phố bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố.

Các thông tin được thu thập gồm: thu nhập, chi tiêu, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh, tham gia các chương trình trợ giúp của hộ dân cư và các thành viên trong hộ và một số đặc điểm của xã.

Như Ngọc