Linh hoạt cơ chế phí và giá cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt
Cân nhắc quy định chuyển từ phí sang giá cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt
Trong phiên họp sáng 30/5 liên quan tới Luật Đường sắt, một số ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc quy định chuyển từ phí sang giá cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) và lộ trình thực hiện quy định này. Theo UBTVQH, về vấn đề này, hiện có 2 loại ý kiến như sau:
Loại ý kiến thứ nhất: Thống nhất với phương án Chính phủ trình và cho rằng quy định cơ chế phí như hiện nay không phù hợp với cơ chế thị trường, không khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt. Thực hiện chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa đầu tư, kinh doanh đường sắt, trong tương lai sẽ có nhiều đơn vị tham gia đầu tư, khai thác KCHTĐS.
Do đó, nhất trí áp dụng cơ chế giá cho linh hoạt và thuận lợi trong việc lựa chọn được đơn vị có khả năng sử dụng hiệu quả nhất KCHTĐS do Nhà nước đầu tư. Hơn nữa, đối với KCHTĐS do doanh nghiệp đầu tư, việc sử dụng cơ chế giá cũng sẽ phù hợp cho các nhà đầu tư cho thuê KCHTĐS khi thảo luận cho thuê.
Loại ý kiến thứ hai: Trong quá trình chỉnh lý Dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị áp dụng đồng thời 02 hình thức phí và giá: Hình thức “Phí” áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước được giao kinh doanh, khai thác KCHTĐS do Nhà nước đầu tư; hình thức “Giá” đối với doanh nghiệp khác ngoài nhà nước thuê, chuyển nhượng KCHTĐS do Nhà nước đầu tư. Ý kiến này cho rằng về bản chất đối với KCHTĐS Nhà nước vẫn phải bù lỗ, nếu chuyển sang cơ chế giá sẽ tăng giá thành dịch vụ vận tải đường sắt, phát sinh chi phí cho việc tính toán lại và phát sinh thủ tục cho cả cơ quan QLNN cũng như doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Quốc hội cân nhắc quy định chuyển từ phí sang giá cho thuê Kết cấu hạ tầng đường sắt. Ảnh: Soha. |
UBTVQH nhất trí cho rằng cần tạo điều kiện linh hoạt trong tình hình thực tế kinh doanh KCHTĐS và chủ động của Chính phủ trong lộ trình áp dụng cơ chế giá/phí.
Trong Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung quy định áp dụng hình thức phí, giá cho thuê KCHTĐS, trong đó chủ yếu vẫn là giá để phù hợp với xu thế chung của sự phát triển và cho phù hợp với Luật Giá, Luật Phí và lệ phí (Điều 66 về Phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, chỉnh sửa nội dung Điều 68 về Hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong việc thực hiện phục vụ nhiệm vụ đặc biệt và an sinh xã hội).
Đồng thời, dự thảo Luật sẽ bỏ quy định tại khoản 5 Điều 93 về lộ trình áp dụng cơ chế giá (Dự thảo Luật Chính phủ trình, theo đó cơ chế giá cho thuê KCHTĐS chỉ có hiệu lực vào năm 2023).
Về việc làm rõ quy định về vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội, UBTVQH cho biết, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội là vận tải hành khách trên tuyến, đoạn tuyến, khu đoạn đường sắt nhằm phục vụ cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ mà Nhà nước cần bảo đảm vì lợi ích chung và việc vận tải này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí (Khoản 2 Điều 58).
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng chỉnh sửa, bổ sung nội dung Điều 68, trong đó quy định nhà nước hỗ trợ phí sử dụng KCHTĐS, giá điều hành GTVT đường sắt, giá thuê KCHTĐS trong trường hợp vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp đủ chi phí hợp lý của doanh nghiệp. Việc hỗ trợ được quy định cụ thể cho từng chuyến tàu, trên từng tuyến đường sắt.
Không quy định lộ trình xây đường sắt tốc độ cao trong Luật
Một số ĐBQH đề nghị làm rõ sự phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và sự cần thiết có chương quy định về đường sắt tốc độ cao trong Dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị bổ sung việc khẳng định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trong dự thảo luật để trình Quốc hội thông qua làm cơ sở cho việc triển khai dự án...
UBTVQH cho rằng, phát triển đường sắt tốc độ cao đã được xác định rõ trong chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 13 của Ban chấp hành T.Ư về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp vào năm 2020. Luật này cũng đã có quy định một số nội dung liên quan đến đường cao tốc để làm cơ sở pháp lý cho việc kêu gọi đầu tư, xây dựng và phát triển đường bộ cao tốc sau này. Vì vậy, UBTVQH thấy rằng việc bổ sung một số quy định về đường sắt tốc độ cao trong Dự thảo Luật là rất cần thiết để có cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị và đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sau này.
Về lộ trình xây dựng đường sắt tốc độ cao, TVQH xin không quy định trong Dự thảo Luật mà sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng ở bước lập báo cáo đầu tư dự án trên cơ sở Chiến lược, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và khả năng huy động vốn, nhu cầu vận tải từng khu đoạn để trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư.