|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Liệu Việt Nam có cần tăng thêm dân số?

07:29 | 16/05/2020
Chia sẻ
Với diện tích đất đai, biển và tài nguyên hiện tại cùng các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu trong tương lai thì Việt Nam chỉ có thể đáp ứng được số dân sinh sống tối đa là bao nhiêu mà vẫn đảm bảo và duy trì được một môi trường sống bền vững cho các thế hệ tương lai?
Liệu Việt Nam có cần tăng thêm dân số? - Ảnh 1.

Dân số Việt Nam hiện tại đã vượt ngưỡng cho phép. Ảnh minh họa Lê Anh.

Dân số đã vượt ngưỡng để phát triển bền vững?

Việt Nam hiện có số dân đứng thứ 15 trong 187 quốc gia, và cũng là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới (310 người/ki lô mét vuông). 

Với tốc độ tăng hiện tại, dân số Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 120 triệu dân và đạt mức 380 người/ki lô mét vuông vào năm 2050, vẫn đứng trong nhóm có dân số và mật độ dân số cao nhất thế giới.

Trong khi đó, Việt Nam là một trong 10 nước bị ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu cho thấy mực nước biển dâng cùng với sự can thiệp của con người vùng thượng lưu sông Mekong có thể làm đồng bằng sông Cửu Long biến mất trong vòng 100 năm tới.

Biến đổi khí hậu cũng làm cho các tỉnh khu vực Nam Trung bộ bị sa mạc hóa và Tây Nguyên bị thiếu nước trầm trọng. Thiên tai và thời tiết bất thường ngày càng có tác động tiêu cực đến vùng Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc. 

Các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ làm giảm khả năng sản xuất nông nghiệp (theo nghiên cứu ước tính khoảng 30%) và đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực.

Ngoài các yếu tố trong nội tại của các cặp vợ chồng thì quyết định sinh con hay không sẽ phụ thuộc vào việc họ có thấy được một tương lai tốt đẹp cho chính bản thân họ và con cái họ hay không.

Với quy mô dân số và các hoạt động kinh tế hiện nay, rõ ràng sự suy thoái nhanh chóng của môi trường sống, của chất lượng không khí đang ngày một gia tăng; đặc biệt, nguồn nước mặt ngày càng ô nhiễm khi mà chất thải từ các khu công nghiệp, từ các hoạt động đời sống đang giết chết các dòng sông, ao hồ và vùng biển.

Đất đai cũng bị ô nhiễm và xơ cứng do canh tác không bền vững, vắt kiệt sức đất bằng cách gia tăng mùa vụ, lạm dụng phân bón vô cơ và các loại thuốc trừ sâu dẫn đến chất lượng các sản phẩm trồng trọt ngày càng thấp.

Nước ngầm bị lạm dụng và sử dụng vượt quá mức cho phép, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ.

Với những vấn đề trên, liệu dân số Việt Nam hiện tại đã vượt ngưỡng cho phép để có thể phát triển một cách bền vững hay chưa? Theo ý kiến chủ quan của người viết, nó đã vượt rất nhiều và dân số Việt Nam chỉ nên ở mức 60 triệu người.

Sắp tới có thiếu lao động?

Câu trả lời là không, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam luôn ở mức thấp; Việt Nam cũng có đến 60% dân số tham gia vào lực lượng lao động, thuộc các quốc gia có tỷ lệ dân số tham gia lực lượng lao động cao nhất thế giới. 

Tuy nhiên, có đến 50% lao động ở Việt Nam là những lao động làm các công việc không bền vững, làm việc theo mùa vụ và không có hợp đồng lao động.

Liệu Việt Nam có cần tăng thêm dân số? - Ảnh 2.

Việt Nam cũng có đến 60% dân số tham gia vào lực lượng lao động, thuộc các quốc gia có tỷ lệ dân số tham gia lực lượng lao động cao nhất thế giới. Ảnh minh họa Thành Hoa

Mặt khác, người lao động ở Việt Nam không thể không có việc làm vì an sinh xã hội không đảm bảo khi họ bị mất việc. 

Một minh chứng rõ ràng nữa là tổng số lao động người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài hiện nay, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), là 540.000 người. Đây là một minh chứng rõ ràng là nền kinh tế không hấp thụ hết lực lượng lao động sẵn có trong nhiều năm qua.

Việt Nam mong muốn trở thành một quốc gia giàu có, có sức mạnh và tầm ảnh hưởng trên thế giới. Nhưng không có một minh chứng rõ ràng nào cho thấy dân số có mối liên hệ chặt chẽ với sự giàu có và sức mạnh của một quốc gia.

Sự giàu có của một quốc gia phần lớn phụ thuộc vào năng suất lao động, trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới. 

Theo số liệu Ngân hàng Thế giới năm 2019, năng suất lao động của lao động Việt Nam đứng thứ 140 trên 187 quốc gia, thấp hơn tất cả các nước trong khối ASEAN và chỉ bằng 31,6% mức trung bình của thế giới. 

Một trong những lý do là lao động Việt Nam hiện nay đang làm việc trong công đoạn thấp nhất của chuỗi giá trị.

Quyết định sinh con phụ thuộc vào các yếu tố nào?

Ngoài các yếu tố trong nội tại của các cặp vợ chồng thì quyết định sinh con hay không sẽ phụ thuộc vào việc họ có thấy được một tương lai tốt đẹp cho chính bản thân họ và con cái họ hay không.

Điều đó được đánh giá thông qua nhãn quan về một hệ thống an sinh xã hội tốt, các dịch vụ công, đặc biệt là y tế và giáo dục được đảm bảo, miễn phí và có chất lượng cao, một thị trường lao động dễ tìm việc làm bền vững và có thu nhập đảm bảo cuộc sống, một môi trường sống trong lành và một xã hội công bằng, minh bạch và an toàn.

Kể cả nhìn thấy được các điều kiện thuận lợi trên, việc sinh con ngày nay đối với các cặp vợ chồng cũng không còn là một lựa chọn tối ưu khi mà họ nhận thức được rằng dân số thế giới đang vượt quá mức mà trái đất có thể nuôi sống một cách bền vững. 

Trong khi đó, các lựa chọn khác có thể tốt hơn mà vẫn đảm bảo cho họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn ngay cả khi về già.


Phùng Đức Tùng-Viện Nghiên cứu phát triển Mêkông (MDRI)