Liệu dữ liệu lạm phát nóng có chấm dứt đà phục hồi của chứng khoán Mỹ?
Tuy thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy chút ổn định sau khởi đầu trúc trắc năm 2022, dữ liệu lạm phát sẽ được công bố ngày 10/2 đang khiến nhà đầu tư dè chừng. Các nhà quan sát thị trường còn cảnh báo lạm phát không phải điều duy nhất cần lưu tâm.
Nhà đầu tư cũng sẽ chú ý sát sao các thước đo kỳ vọng lạm phát, bao gồm khảo sát tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan công bố ngày 11/2 để ước đoán cách phản ứng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về áp lực giá dai dẳng.
Bà Kristina Hooper, Giám đốc đầu tư thị trường toàn cầu của Invesco viết trong lưu ý: "Tôi chỉ có thể hy vọng rằng tuần này không có bất ngờ khủng khiếp nào về dữ liệu CPI tháng 1. Chỉ số CPI của Mỹ được dự kiến là cao hơn hẳn những tháng trước đó, do vậy tôi không cho là thị trường sẽ bị xáo trộn trừ khi số liệu thực tế cao hơn dự đoán".
Các nhà kinh tế do Wall Street Journal khảo sát ước tính rằng CPI tháng 1 sẽ tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn cả mức 7% của tháng 12/2021. CPI được cho là sẽ tăng 0,4% so với tháng trước, chậm lại so với tốc độ 0,5% của tháng 12.
Dự kiến chỉ số CPI lõi (loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng đầy biến động) sẽ đi lên 5,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 5,5% của tháng trước.
MarketWatch cho biết Fed đã báo hiệu có thể bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 rồi sau đó giảm quy mô bảng cân đối kế toán để đối phó với lạm phát.
Thị trường rung lắc
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã tăng đáng kể từ đầu năm, châm ngòi cho đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán dẫn đầu bởi những cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như nhóm công nghệ và nhóm tăng trưởng. Đầu tuần, có lúc lợi suất kỳ hạn 10 năm đã mon men đến gần 2% - lần đầu tiên kể từ năm 2019 – nhưng sau đó đã đi xuống.
Các chỉ số chứng khoán chính phục hồi mạnh mẽ trong tuần này, nhà đầu tư có vẻ đã sẵn sàng để bắt đáy. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq vẫn thấp hơn 7,4% so với đầu năm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và S&P 500 lần lượt giảm 1,6% và 3,8%.
"Ngừng đi lên"
Đâu là điều cần thiết để chứng khoán Mỹ lấy lại chỗ đứng?
Ông Tom Essaye, nhà sáng lập Sevens Report Research trả lời trong lưu ý ngày 9/2: "Lạm phát phải ngừng đi lên. Điều này nghe có vẻ quá đơn giản, nhưng điểm mấu chốt là trong vài tháng qua, thị trường và Fed đã thấy "dấu hiệu" lạm phát đạt đỉnh, nhưng thực tế lại khác".
Cũng phải kể đến rằng tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm trước đi lên nhanh chóng một phần do yếu tố mùa vụ - một năm trước chưa nhiều người tiêm vắc xin và kinh tế toàn cầu chưa mở cửa.
Tuy nhiên, "mấu chốt vẫn là một lúc nào đó lạm phát cần chạm đỉnh và lui xuống, nếu không Fed sẽ càng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn và thị trường lại một lần nữa hứng đòn", ông nói thêm.
Kỳ vọng
Ông Essaye và Giám đốc Hooper của Invesco đồng ý rằng nhà đầu tư sẽ không chỉ mổ xẻ dữ liệu CPI ngày 10/2 để tìm manh mối. Kỳ vọng lạm phát cũng có vai trò không nhỏ, và buộc nhà đầu tư chú ý đến dữ liệu sơ bộ Đại học Michigan công bố sáng 11/2.
Bà Hooper cho rằng dữ liệu này còn quan trọng hơn cả CPI tháng 1. Dữ liệu về kỳ vọng lạm phát trong tháng 12/2021 của Fed chi nhánh New York cho một và ba năm sau vẫn rất cao nhưng có vẻ đã đạt đỉnh. Dữ liệu cho thấy kỳ vọng trung vị về lạm phát một và ba năm sau đều không đổi, lần lượt ở mức 6% và 4%.
"Chúng tôi muốn thấy điều tương tự từ dữ liệu của Đại học Michigan". Bà lưu ý rằng phải đến đầu tuần sau nhà đầu tư mới được đọc dữ liệu tháng 1 của Fed chi nhánh New York.
Ông Essaye kém lạc quan hơn. Mọi thước đo kỳ vọng lạm phát do công ty ông theo dõi đều báo hiệu Fed cần siết chặt hơn. Để có được bất ngờ tích cực về Fed từ lạm phát trong tuần này, "chúng ta cần CPI và kỳ vọng lạm phát cho thấy dấu hiệu đạt đỉnh", ông viết.