|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhóm Liên Việt Holdings đã góp bao nhiêu tiền vào dự án đất vàng 61 Trần Phú?

15:49 | 25/04/2022
Chia sẻ
Tại thời điểm cuối quý I/2022, Postef có khoản phải trả dài hạn khác gần 850 tỷ đồng. Đây là khoản vốn góp của CTCP Liên Việt Holdings để hoàn thiện dự án hợp tác đầu tư tại khu đất số 61 Trần Phú theo hợp đồng hợp tác ngày 28/12/2011.

CTCP Thiết bị Bưu Điện (Postef – Mã: POT) vừa công bố BCTC hợp nhất quý I/2022 với doanh thu thuần đạt hơn 227 tỷ đồng, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá vốn tăng 52% kéo lợi nhuận gộp giảm nhẹ so với cùng kỳ về hơn 25 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 16,6% về 11,2%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của Postef giảm mạnh 60% từ hơn 206 triệu đồng về còn 84 triệu đồng, toàn bộ là lãi tiền gửi và tiền cho vay. Chi phí bán hàng cũng ghi nhận giảm gần 70% so với cùng kỳ về 1,8 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 23% lên 15 tỷ đồng.

Kết quả, Postef ghi nhận lợi nhuận sau thuế (LNST) quý I đạt gần 556 triệu đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2022, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.215 tỷ đồng và LNST hơn 14 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 8,5% so với kết quả thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, doanh nghiệp còn cách rất xa mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.

(Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2022 Postef).

Tổng tài sản của Postef tại thời điểm 31/3/2021 hơn 2.326 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2021. Trong đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm 813 tỷ đồng, chủ yếu đến từ dự án 61 Trần Phú – Hà Nội (gần 801 tỷ đồng). 

Nợ phải trả tại cuối kỳ của công ty hơn 2.010 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái. Trong đó, tổng dư nợ đi vay hơn 603 tỷ đồng. Đáng chú ý, Postef còn có khoản phải trả dài hạn khác gần 850 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, đây là khoản vốn góp của CTCP Liên Việt Holdings để hoàn thiện dự án hợp tác đầu tư số 40/2011/HĐHTĐT/POT-LVH-HL tại khu đất số 61 Trần Phú theo hợp đồng hợp tác ngày 28/12/2011.

Theo hợp đồng này, các bên đã thống nhất để Postef đứng tên là chủ đầu tư dự án và đứng ra mở tài khoản ngân hàng, hạch toán chi phí dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và trong giai đoạn xây dựng hoàn thành. Chi phí dự án được ghi nhận theo thực tế phát sinh liên quan trực tiếp đến dự án và trong phạm vi hợp đồng hợp tác. Các khoản chi phí này được thanh toán bởi Liên danh CTCP Liên Việt Holdings - CTCP Him Lam. Lợi nhuận được phân chia theo tỷ lệ vốn góp giữa các bên.

Dự án đang tạm dừng để rà soát

Khu đất vàng 61 Trần Phú vừa qua được quây kín để tháo dỡ. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Liên quan đến khu "đất vàng" rộng hơn 9.000 m2 ở số 61 Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội), đây là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của CTCP Thiết bị Bưu điện.

Ngày 28/12/2011, Postef cùng Liên danh CTCP Liên Việt Holdings - CTCP Him Lam ký Hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh Dự án đầu tư xây dựng Công trình đa chức năng Postef tại khu đất nói trên.

Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư gần 1.575 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của các bên hơn 1.039 tỷ đồng. Cụ thể, Postef thực hiện góp vốn bằng lợi thế quyền sử dụng khu đất tương ứng là 530 tỷ đồng (chiếm 51% tổng giá trị vốn góp), bên Liên danh góp vốn bằng tiền với 509,2 tỷ đồng (chiếm 49% tổng giá trị vốn góp). Theo điều khoản hợp đồng, Công ty được quyền thuê để sử dụng hoặc cho thuê lại 20% diện tích văn phòng thuộc diện tích sàn sử dụng hoàn thiện. 

Lợi ích của các bên được hưởng từ phần vốn góp và lợi nhận của dự án đem lại sẽ được phân chia trên cơ sở lợi nhuận trước thuế. Theo Hợp đồng này, Liên danh thực hiện hỗ trợ Postef chi phí di dời cơ sở kinh doanh, chi phí thuê mặt bằng và chi phí ngừng hoạt động kinh doanh trong giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn xây dựng hoàn thành với giá trị khoán gọn là 125 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT) và khoản chi phí hỗ trợ này là một phần của khoản vốn góp bằng tiền mà bên Liên danh sẽ thực hiện góp để đầu tư thực hiện dự án.

Theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, doanh nghiệp này có chủ trương chuyển nhượng toàn bộ dự án nói trên. Tuy nhiên, theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 ngày 8/3/2021 thì Công ty đã tạm dừng chủ trương chuyển nhượng dự án. 

Mới đây, sau một thời gian ngắn được thi công để phá dỡ, công trình tại số 61 Trần Phú đã bị tạm dừng thi công. 

Cụ thể, ngày 6/4 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các sở, ngành Thành phố có liên quan và UBND quận Ba Đình tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ, quy trình, thủ tục triển khai dự án tại khu đất nói trên. 

Bộ Xây dựng sau đó đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng tại khu đất 61 Trần Phú.

Tại văn bản trên, Bộ Xây dựng cho biết, theo Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, TP.Hà Nội, tỷ lệ 1/2.000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2411 ngày 10/12/2013, nhà máy thiết bị bưu điện tại lô G1 (khu đất số 61 phố Trần Phú, Hà Nội) được di chuyển ra khỏi khu trung tâm.

Tuy nhiên, khu trung tâm chính trị Ba Đình có tính chất là khu vực có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử, không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước với mục tiêu bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị.

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội trước mắt tạm dừng thi công; rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú. Đồng thời, đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Bộ này cũng đề nghị Hà Nội nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp; công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.

Hà Lê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.