Liên tiếp xử lý nhiều doanh nghiệp bán vàng vi phạm
Mới đây nhất, Cục Quản lý thị trường Long An đã kiểm tra phát hiện, xử lý 19/20 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh có vi phạm trong hoạt động kinh doanh.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng vàng được kiểm tra có hành vi vi phạm gồm buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Cùng đó, doanh nghiệp không bảo đảm điều kiện theo quy định để người có quyền và nghĩa vụ liên quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương pháp đo, phương tiện đo, lượng hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp, tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại; không niêm yết giá hàng hóa (vàng) tại địa điểm kinh doanh.
Những hành vi vi phạm của doanh nghiệp kinh doanh vàng đã bị lực lượng quản lý thị trường Long An xử phạt hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước 115 triệu đồng. Hiện tại còn 2 trường hợp vi phạm đang được các đội quản lý thị trường tiếp tục xác minh, làm việc, xử lý theo quy định pháp luật.
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Long An, thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Long An tiếp tục chỉ đạo đội quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, nắm tình hình hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Cùng ngày, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An đã lập biên bản vi phạm hành chính trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt số tiền 85 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu. Trước đó, Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã phối hợp với Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh vàng thuộc doanh nghiệp tư nhân A tại thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng có bày bán 2 lắc trang sức bằng kim loại màu vàng mang nhãn hiệu Chanel có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn vận hành trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nói trên. Tại thời điểm kiểm tra, chủ doanh nghiệp chưa xuất trình được được hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ và các tài liệu kèm theo hàng hóa nói trên. Tổng trị giá hàng hóa gần 25 triệu đồng nên Đoàn kiểm tra đã niêm phong, tạm giữ số lượng tang vật có dấu hiệu vi phạm để làm rõ.
"Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục bám sát chỉ đạo của cấp trên, xây dựng cơ sở cung cấp thông tin, tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng có liên quan để quản lý các cơ sở kinh doanh các mặt hàng kim loại vàng, không để tình trạng đầu cơ tích trữ, nâng giá bất hợp lý cũng như kinh doanh mặt hàng vàng không có nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ..., góp phần bình ổn thị trường vàng trên địa bàn tỉnh Nghệ An", đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã đóng cửa hàng loạt những ngày qua. Nhiều ý kiến cho rằng các cửa hàng vàng tạm nghỉ bán nhằm né sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Việc không có quy định cửa hàng vàng phải khai báo khi đóng cửa, khiến cơ quan chức năng chưa xác định được rõ lý do nhiều tiệm vàng tại Tp. Hồ Chí Minh đóng cửa hàng loạt những ngày qua.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cho biết đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tiến hành rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng vàng trên địa bàn. Vì vậy, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra đột xuất 7 cửa hàng kinh doanh vàng tại quận 6, quận 8 phát hiện một số vi phạm gồm bày bán các sản phẩm vàng trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn hàng hóa.
Một số loại trang sức như bông tai, mặt dây chuyền, lắc tay... có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Versace... được bảo hộ tại Việt Nam. Toàn bộ hàng hóa vi phạm được tạm giữ. Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường tiến hành xác định vàng thật hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
"Những ngày qua, một số cơ quan báo chí phản ảnh thông tin trên địa bàn thành phố có nhiều tiệm vàng cửa đóng then cài hay đóng cửa tạm nghỉ bán để né sự kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường. Đối với vấn đề này chúng tôi chưa có cơ sở để kết luận. Trong phạm vi quyền hạn, chức năng nhiệm vụ, lực lượng quản lý thị trường sẽ giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện các cửa hàng vi phạm sẽ xử lý theo quy định", ông Huy nói.
Tại tỉnh Cà Mau, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau) trong 2 ngày đã liên tục tiến hành kiểm tra đột xuất doanh nghiệp tư nhân K.B kinh doanh vàng (xã Trần Thới, huyện Cái Nước) và doanh nghiệp tư nhân K.B, (khóm 7, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2 doanh nghiệp này đang trưng bày hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Chanel gồm: 11 loại hàng hóa (vòng đeo tay, bông tai, nhẫn tay, lắc tay…) là trang sức kim loại màu vàng. Tổng trị hàng hóa tạm giữ có giá trị 66,5 triệu đồng.
Còn ở Tp. Cần Thơ, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Tp. Cần Thơ) tiến hành kiểm tra đột xuất 2 cơ sở kinh doanh mặt hàng trang sức bạc và xi mạ trên địa bàn quận Ô Môn và huyện Thới Lai. Qua kiểm tra phát hiện tại 2 cơ sở đang bày bán 48 sản phẩm kim loại xi mạ màu trắng, kim loại xi mạ màu vàng có gắn yếu tố có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Chanel đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam gồm vòng kim loại, lắc kim loại, nhẫn kim loại, mặt dây chuyền kim loại,… có tổng trị giá hàng hóa trên 12 triệu đồng.
Tại tỉnh Đồng Tháp, Đội Quản lý thị trường số 2 và Đội Quản lý thị trường cơ động (Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp) tiến hành kiểm tra đột xuất 3 doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ trên địa bàn Tp. Cao Lãnh. Tại đây, 3 doanh nghiệp nêu trên kinh doanh sản phẩm trang sức gồm lắc tay, vòng tay, bông tai, nhẫn, mặt dây chuyền đều là kim loại màu vàng, kim loại màu trắng có gắn các yếu tố có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đối với sản phẩm mang nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam (nhãn hiệu Chanel), số lượng tang vật 11 sản phẩm, tổng trị giá tang vật gần 85 triệu đồng.
Đội Quản lý thị trường số 4 (Đội Quản lý thị trường tỉnh An Giang) đã phối hợp lực lượng công an kiểm tra đột xuất đối với Doanh nghiệp tư nhân T.K (huyện An Phú). Qua kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng hóa đang trưng bày bán nghi vấn là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel. Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hai loại hàng hóa nêu trên, tổng trị giá hàng hóa tạm giữ trên 84 triệu đồng.
Ngoài ra, Tổ chuyên trách về thương mại điện tử, Tổng cục Quản lý thị trường nhanh chóng xác định địa điểm kinh doanh thuộc sở hữu của Công ty TNHH Kim Hương Dinh, (số 39 Nguyễn Huệ, phường Mỹ Long, Tp. Long Xuyên, tỉnh An Giang), đây là tiệm vàng lớn nhất tỉnh. Tại thời điểm kiểm tra, ghi nhận thực tế cho thấy có hơn 10 nhân viên bán hàng. Với số lượng lên tới hàng chục nghìn sản phẩm vàng, vàng trắng đang được bày bán. Tại mỗi khay sản phẩm đều có bày xen kẽ các sản phẩm vàng trang sức có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng như: Chanel, Cartier, LV, Bulgari… dưới dạng khuyên tai, vòng tay, nhẫn, dây chuyền.
Có thể thấy nói, việc tăng cường hoạt động kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh này của lực lượng quản lý thị trường đã góp phần làm bình ổn thị trường kinh doanh vàng, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định: Việc kiểm tra đối với các mặt hàng kim loại vàng sẽ tiếp tục được lực lượng đẩy mạnh từ nay đến hết năm 2024 trên địa bàn cả nước, nhằm góp phần bình ổn thị trường vàng. Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra về chất lượng vàng cũng như các hành vi đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng vàng của các tổ chức, cá nhân.