|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lẽ ra công nghệ càng hiện đại thì giá thành nước càng rẻ

16:28 | 24/11/2019
Chia sẻ
Năm 2016, TP HCM đưa vào vận hành Nhà máy Nước Tân Hiệp 2 có công suất 300.000 mét khối/ngày đêm và vốn đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng. Ba năm sau, Nhà máy Nước mặt sông Đuống tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, có cùng công suất thiết kế cũng được đưa vào khai thác, nhưng vốn đầu tư lên đến 5.000 tỉ đồng.

Vì sao cùng một công suất thiết kế, thời gian đầu tư chỉ lệch nhau ba năm mà tổng mức đầu tư lại khác biệt lên đến 4 lần?

Lẽ ra công nghệ càng hiện đại thì giá thành nước càng rẻ - Ảnh 1.

Nhà máy Nước Thủ Đức. Ảnh: Anh Quân

Việc xây dựng nhà máy nước giá thành cao hay thấp còn phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí đặt nhà máy, công nghệ xử lý nước... Song vấn đề quan trọng nhất để biết giá thành cao hay thấp là công khai, minh bạch các chi phí thì dường như ít được thực hiện.

Lý giải cho việc tổng mức đầu tư Nhà máy Nước mặt sông Đuống lên đến gần 5.000 tỉ đồng, tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội hôm 12-11, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, cho biết để đầu tư Nhà máy Nước mặt sông Đuống, chủ đầu tư phải vay 3.998 tỉ đồng, chi phí lãi vay được tính vào giá nước. 

Chi phí lãi vay này trong giai đoạn đầu tư được tính vào tổng vốn đầu tư dự án và sau giai đoạn đầu tư, lãi vay được tính vào giá thành nước. Ước tính chi phí lãi vay dự án sông Đuống chiếm khoảng 20% giá thành nước sông Đuống, tương đương 2.103 đồng/mét khối.

Chính vì chi phí lãi vay cao nên giá thành nước được bán ra với mức 10.246 đồng/mét khối.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cách giải thích này của Hà Nội rất mập mờ, không hợp lý. Trao đổi với TBKTSG, ông Đặng Xuân Ngọc, một chuyên gia về xử lý nước, cho biết ở dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống đang có sự đánh lận con đen giữa chi phí xử lý nước từ nước ngầm thành nước sạch với xử lý nước mặt thành nước sạch.

Nếu sản xuất nước sạch bằng công nghệ hiện đại nhất hiện nay là công nghệ nano, thì chi phí đầu tư cũng như chi phí sản xuất không cao hơn nhiều so với công nghệ thông thường của các nhà máy nước thông thường bởi công nghệ nano tốn ít diện tích mặt bằng hơn, tốn ít hóa chất và điện năng hơn.

Ông Ngọc cho rằng, dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống đầu tư công không phải, hợp tác công - tư cũng không phải. “Dự án đi vay đến 80% tổng mức đầu tư thì Nhà nước đứng ra làm luôn, rồi quyết định giá nước, lời Nhà nước ăn lỗ Nhà nước bù, việc gì phải kêu gọi tư nhân đầu tư. 

Làm một dự án mà Nhà nước tính giá trước cho nhà đầu tư, rồi nhà đầu tư đi vay 80%, lãi vay lại được cộng vào giá thành thì đầu tư vào là rất lời”, ông phân tích. 

Theo ông Ngọc cần phải hạn chế đầu tư kiểu “tay không bắt giặc” như ở dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống bằng cách thông báo đấu thầu công khai đưa ra giá nước rồi mời nhà đầu tư.

Đặt vấn đề ở góc độ nhà đầu tư, ông Lê Ngọc Ánh Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh Pacific, cho rằng nếu so sánh giá đầu tư của Nhà máy Nước mặt sông Đuống với Nhà máy Nước Tân Hiệp 2 thì phải so sánh tổng thể về thời điểm đầu tư, công nghệ sử dụng, vị trí đặt nhà máy và các yếu tố cấu thành tổng mức đầu tư. 

Nếu chính quyền Hà Nội hoặc chủ đầu tư công khai hết các thông tin về công nghệ, giá thành thì sẽ biết ngay tổng mức đầu tư Nhà máy Nước mặt sông Đuống cao hay thấp so với Nhà máy Nước Tân Hiệp 2. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là phải công khai, minh bạch từ đầu chứ không nên úp mở tạo cho dư luận hoài nghi.

Ông Minh đặt vấn đề tại sao đa số nhà đầu tư quốc tế e dè đầu tư vào các lĩnh vực độc quyền như phát điện, cấp nước. Dư luận còn đặt câu hỏi về lợi ích nhóm trong đầu tư cấp nước thì cơ quan quản lý nên xem đó là một cơ hội để cải cách, để công khai các dự án đầu tư, hơn là chờ đến khi dư luận nêu tiêu cực rồi mới tiến hành giải thích.

Đối với lĩnh vực cấp nước, Nhà nước chỉ làm trọng tài đưa ra các tiêu chí như: giá bán, chất lượng nước, mạng lưới cung cấp rồi tổ chức đấu thầu. Nhà đầu tư trúng thầu phải tuân thủ các tiêu chí đã được đưa ra. 

“Có như vậy mới công bằng, minh bạch giữa các nhà đầu tư và người dân thụ hưởng nước sạch. Việc vay vốn hay huy động vốn là quyền của nhà đầu tư, hạch toán có lãi hay lỗ cũng do nhà đầu tư, Nhà nước không hỗ trợ giá”, ông Minh đề xuất.

Bài toán kinh doanh nước sạch, lỗ lãi ra sao chỉ có những người trong ngành mới nắm rõ nhất. Trao đổi với TBKTSG, một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) có kinh nghiệm hơn 20 năm trong trong lĩnh vực nước tiết lộ, chi phí sản xuất 1 mét khối nước sạch bằng công nghệ hóa lý thông thường ở Việt Nam hiện nay chỉ dao động ở mức 1.000-2.000 đồng tùy theo chất lượng nguồn nước thô đầu vào. 

Nếu sản xuất với khối lượng càng lớn thì giá thành càng rẻ. Với giá thành xử lý ở mức 2.000 đồng/mét khối khi bán nước với giá 5.000 đồng/mét khối là đã có lãi khá, còn bán với giá 10.246 đồng/mét khối như Nhà máy Nước mặt sông Đuống thì mức lãi rất lớn.

Điều mà vị chuyên gia này nói được minh chứng bằng các báo cáo tài chính của các công ty cung cấp nước sạch. Ví dụ, Công ty Nước sạch Sông Đà (doanh nghiệp cung cấp nước sạch ở Hà Nội), năm 2018, mảng cung cấp nước mang về cho công ty 469 tỉ đồng doanh thu cùng biên lãi gộp lên tới 57,1%, tỉ suất này cũng được duy trì ở mức 56,8% trong sáu tháng đầu năm nay. 

Nhờ biên lãi gộp cao, bốn năm gần nhất lợi nhuận ròng của Công ty Nước sạch Sông Đà đều đạt trên 100 tỉ mỗi năm. Riêng năm 2018, công ty này thu về khoản lợi nhuận cao kỷ lục 219 tỉ đồng.

Tại TPHCM, nhóm các công ty cung cấp nước sạch có biên lãi gộp khoảng 30%/năm. Trong đó, Công ty Cấp nước Nhà Bè năm 2018 ghi nhận 642 tỉ đồng doanh thu, biên lãi gộp đạt 29,4%, mang về 189 tỉ đồng lãi gộp. Công ty Cấp nước Thủ Đức năm 2018 cũng ghi nhận 760 tỉ đồng doanh thu và biên lãi gộp 31,3%...

Nói về chi phí cấu thành của ngành nước, vị chuyên gia này cho biết, ở lĩnh vực cung cấp nước sạch, chi phí sản xuất chiếm tỷ lệ lớn nhất là hóa chất và lượng điện năng tiêu thụ. Nếu sử dụng công nghệ hiện đại thì chi phí sản xuất càng rẻ. 

Ví dụ, nếu sản xuất nước sạch bằng công nghệ hiện đại nhất hiện nay là công nghệ nano, thì chi phí đầu tư cũng như chi phí sản xuất không cao hơn nhiều so với công nghệ thông thường của các nhà máy nước thông thường bởi công nghệ nano tốn ít diện tích mặt bằng hơn, tốn ít hóa chất và điện năng hơn. 

Do vậy, ở dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống, cần công khai rõ là sử dụng công nghệ nào thì sẽ biết được giá thành nước đầu ra cao hay thấp.

Lê Anh