|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Larry Page biến đi đâu?

21:02 | 11/01/2019
Chia sẻ
Đây là tít một bài báo trên tờ Wall Street Journal nhưng không phải tác giả cất công điều tra xem một trong hai nhân vật sáng lập ra Google giờ đang làm gì, ở đâu. Hóa ra đây là cách tác giả khen Larry Page có một chiến lược khôn ngoan mà các CEO khác nên bắt chước: ẩn mình thật sâu trong thời buổi thiên hạ chống đối công nghệ.
larry page bien di dau Google cần một nhà lãnh đạo xứng đáng hơn 'ông bù nhìn' Larry Page?
larry page bien di dau

Larry Page, Giám đốc điều hành Alphabet, công ty mẹ của Google.

2018 đúng là một năm tệ hại cho các doanh nghiệp công nghệ, như tình cảnh của Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook lâm vào, chưa thấy lối thoát. Tác giả bài báo nói làm CEO trong thời buổi hiện nay chỉ cần nhớ nằm lòng bài học sau đây để bảo đảm thành công: Thuê một nhân vật thứ 2 thật nổi bật làm vật thế thân cho mình. Mục đích chính là có người đứng ra hứng mọi áp lực khi dân tình nổi giận muốn đốt nhà bạn. Nói thẳng ra là có sẵn người hứng chịu mọi chỉ trích nếu sự tình không thuận lợi; thậm chí có sẵn người để hội đồng quản trị sa thải, chứ không đụng đến sợi chân lông của bạn.

Tác giả phân tích vai trò của Sundar Pichai, người được thuê vào tháng 10-2015 để làm CEO của Google, theo tác giả, chỉ là CEO trên danh nghĩa. Tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, vẫn do Larry Page làm CEO và Sergey Brin làm chủ tịch. Trong khi Google vẫn tạo ra đến 99,6% tổng doanh thu cho Alphabet, có gì người ta sẽ chỉa mũi dùi vào Sundar Pichai chứ đâu có đụng tới Larry Page.

Tác giả liệt kê, chính Pichai sa thải James Damore vào năm 2017 vì “dám” viết thư nội bộ phê phán môi trường “ăn nói sao cho phải đạo” bên trong Google - vụ này làm dân tình ta thán. Chính Pichai phải đứng ra giải quyết chuyện quấy rối tình dục, chuyện nhân viên phản đối dự án Google làm với quân đội Mỹ. Chính Pichai cũng đứng mũi chịu sào vụ lên kế hoạch thâm nhập thị trường Trung Quốc bằng cách nhượng bộ, chịu sự kiểm duyệt... Và Pichai là người phải ra ngồi ghế nóng, điều trần trước Quốc hội Mỹ chứ đâu phải Larry Page.

So với Mark Zuckerberg thì nhân vật thứ 2 của Facebook, bà Sheryl Sandberg đã không hứng đỡ được bao nhiêu. Zuckerberg vẫn là nhân vật chính chịu trách nhiệm cho các vụ xì căng đan Cambridge Analytica, vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ và nhiều vụ lộ thông tin người dùng khác. Thế nhưng dường như dư luận vẫn chưa buông tha nên có thể năm 2019 áp lực vẫn còn đè nặng lên Facebook.

Một phương cách khác để tránh búa rìu dư luận, theo tác giả, là thuê kẻ thế thân tạm một thời gian. Tác giả đưa ra trường hợp của Apple làm ví dụ. Tim Cook đi khắp thế giới tìm đối tác để làm sản phẩm cho Apple nhưng ở Mỹ Apple vẫn làm chủ khá nhiều nhà máy. Thay vì đóng cửa nhà máy, rồi hứng chịu sự giận dữ của công nhân và phê phán của báo chí, Apple bán nhà máy cho các nhà sản xuất theo hợp đồng gia công sản phẩm cho Apple. Mua sản phẩm được vài năm cho dư luận quên chủ cũ đi, Apple bèn cắt hợp đồng, chuyển sang mua bên ngoài rẻ hơn. Lúc đó nhà máy có đóng cửa thì thiên hạ chê trách chủ mới, đâu còn nhớ gì đến Apple nữa. Thế mà General Motors vẫn chưa thuộc bài này, đóng cửa nhiều nhà máy ở Mỹ làm CEO của mình là bà Mary Barra chịu nhiều chỉ trích.

Tác giả bài báo, Andy Kessler, cho rằng nay không phải là thời làm CEO nổi danh. Như Jeff Bezos, ông chủ Amazon, hiện đang chịu búa rìu dư luận về vụ săn lùng trụ sở thứ nhì cho Amazon. Tác giả cho biết Amazon nhận được 238 hồ sơ chào mời về mở trụ sở; nay 236 thành phố ghét cay ghét đắng Bezos. Ngay cả thành phố thắng cuộc cũng không tha cho ông ta khi báo chí đầy các tít, kiểu như “Người đóng thuế New York đang xây bãi đỗ trực thăng cho kẻ giàu nhất thế giới”.

Tác giả không nhắc trực tiếp đến nhân vật Elon Musk nhưng đây mới chính là một CEO nổi danh bị vạ miệng điển hình. Tháng 8-2018 anh này viết Twitter, nói đang tính đến chuyện hủy niêm yết hãng xe điện Tesla, tiền vốn đã có sẵn. Thế là sau đó Ủy ban Chứng khoán Mỹ kiện Elon Musk về tội lừa đảo chứng khoán, kết cục anh ta phải từ chức Chủ tịch Tesla, nộp phạt một khoản tiền lớn. Có lẽ bài báo của Andy Kessler viết vào ngày cuối cùng của năm 2018 nên không giúp gì được cho Elon Musk.

Xem thêm

Nguyễn Vũ

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.