Lập ngân sách chi tiêu như thế nào để tránh tiêu dùng quá mức?
Cần lập kế hoạch chi tiêu với tất cả các khoản tiêu dùng hàng ngày. (Ảnh minh hoạ). |
Bạn đang thấy mình đang mua sắm quá nhiều và tiết kiệm quá ít, hoặc nhận ra bạn dành quá ít tiền cho học tập trong khi dành quá nhiều cho ăn uống?
Khi phát hiện ra vấn đề gì đó, bạn nên xem xét lại cả cách sống, và cả thói quen tiêu tiền của mình. Ví như sẽ phải loại bỏ một số khoản chi phí không quan trọng. Sau khi tinh chỉnh, bạn nên xây dựng lại ngân sách tiền mặt và chắc chắn rằng các mục đích chi tiêu của mình là hợp lý. Cuối cùng, đảm bảo rằng tổng chi tiêu của mình là ít hơn tổng thu nhập.
Ngân sách chi tiêu luôn phải được cân đối với tổng thu nhập và các kế hoạch tiết kiệm cho tương lai của bạn. Nếu bạn chi tiêu quá nhiều, bạn có thể phải đi vay, hoặc bạn không còn tiền tiết kiệm cho tương lai của mình. Ngân sách tiền mặt sẽ chỉ ra nhiều vấn đề về cuộc sống và chi tiêu mà bạn không nhận ra.
Bạn cần đặt ra một số tiền lớn nhất cho khoản chi tiêu nào đó để đảm bảo rằng bạn không chi tiêu nhiều hơn hạn mức đã xác định trước. Đây là một công việc quan trọng, để chắc chắn quản lý được các khoản chi tiêu của mình và đạt được thành công tài chính trong tương lai.
Hãy liệt kê ra tất cả các mục chi tiêu trong tháng hiện tại hoặc sắp tới và đặt ra một con số cao nhất cho từng hạng mục – mà ta sẽ gọi là ngân sách. Có thể tham khảo ví dụ theo bảng dưới đây:
Thu nhập | Số tiền | Ngân sách chi tiêu | Số tiền |
Tiền lương | 12.000.000 đ | Thực phẩm | 4.000.000 đ |
Tiền thưởng tháng | 4.000.000 đ | Xem film, cafe | 2.500.000 đ |
Làm ngoài giờ | 2.000.000 đ | Mua sắm quần áo | 1.000.000 đ |
- | - | Du lịch | 4.000.000 đ |
Tổng | 18.000.000 đ | Tổng | 11.500.000 đ |
Chúng tôi khuyến khích bạn nên chia ra thành ba kiểu ngân sách và quản lý chính xác chúng hàng ngày gồm: (1) Ngân sách tối thiểu; (2) Ngân sách cơ bản; (3) Phong cách sống.
Ngân sách tối thiểu
Đây là số tiền bắt buộc phải có để phục vụ chi tiêu cho những mục mà nếu thiếu chúng, cuộc sống của bạn sẽ trở nên đặc biệt khó khăn và nhiều rắc rối. Các khoản tiền cho ngân sách tối thiểu thường bao gồm: thuê nhà; điện nước; thực phẩm hàng ngày.
Ngân sách cơ bản
Là số tiền bạn sẽ sử dụng dành cho các khoản chi tiêu khác bớt quan trọng hơn và để duy trì cuộc sống bình thường của bạn hàng tháng. Các khoản tiền cho ngân sách cơ bản thường bao gồm: mua sắm, giáo dục, thể thảo.
Phong cách sống
Là khoản tiền bạn sẽ sử dụng để bản thân và người nhà, bạn bè được hưởng thụ nhiều hơn những điều tốt đẹp của cuộc sống. Các khoản tiền dành cho ngân sách phong cách sống thường bao gồm: nhà hàng, du lịch, sưu tập thú vui cá nhân.
Sử dụng tỉ lệ 50 - 30 - 20 trong chi tiêu
Để cấu trúc được các khoản ngân sách chi tiêu, chúng tôi khuyến khích bạn sử dụng tỉ lệ 50 - 30 - 20. Đây được cho là tỷ lệ đủ tốt để bạn có thể phân bổ chi tiêu của mình cho các danh mục khác nhau. Trong đó, 50% dành cho các khoản ngân sách tối thiểu và cơ bản của bạn; 30% dành cho các khoản thuộc về phong cách sống và 20% còn lại để dành.
Việc sử dụng khoảng một nửa thu nhập của mình cho chi trả các khoản thuộc về cuộc sống thường ngày sẽ giúp bạn duy trì sinh hoạt và tránh gặp rắc rối. Đó là các chi phí như tiền thuê nhà; tiền điện, nước (có thể thêm tivi, Internet); chăm sóc trẻ em (nếu có con nhỏ); người phụ thuộc (cha mẹ lớn tuổi); học phí bắt buộc; bảo hiểm; các khoản nợ phải trả; chi phí y tế khác.
Khoảng 30% thu nhập dành cho các khoản chi tiêu mà bạn mong muốn có được để thoả mãn sở thích, tương ứng với ngân sách phong cách sống. Bao gồm các khoản chi mua sắm quần áo; mua sắm tiện ích; du lịch; các phí hội viên câu lạc bộ; cafe, xem film, nhà hàng.
Cuối cùng, 20% thu nhập của bạn nên dành cho các khoản quỹ quan trọng cả trong ngắn hạn và dài hạn như quỹ hưu trí; quỹ khẩn cấp; thanh toán các khoản nợ cao, như thẻ tín dụng.
Hãy thực hành ngay lập tức và làm chủ kỹ năng quản lý tiền bạc của mình!