|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Lão tướng' sáng lập FPT gọi Hoà Phát là... kỳ tích, kinh ngạc

15:39 | 23/10/2021
Chia sẻ
"Thật là một con số không tưởng" - nhà sáng lập FPT thốt lên khi nhìn vào con số lợi nhuận mà Hoà Phát đạt đươc trong 9 tháng đầu năm.

Tính đến 22/10, Tập đoàn Hoà Phát (mã: HPG) - doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép của tỷ phú Trần Đình Long đã đạt mức vốn hoá 253.615 tỷ đồng, tương đương 11,1 tỷ USD theo tỷ giá quy đổi 1 USD = 22.750 đồng, đứng thứ 4 toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. 

So với các doanh nghiệp thép trên thế giới, Hòa Phát hiện xếp thứ 15, sau một số tên tuổi thành danh lâu năm như Baoshan Iron & Steel (Trung Quốc), Nucor (Mỹ), ArcelorMittal (Luxembourg), Posco (Hàn Quốc), ... đồng thời đứng trên nhiều tập đoàn lớn khác như JFE Holdings (Nhật Bản) hay Shanxi Taigang (Trung Quốc).

Đồng thời, Tập đoàn Hòa Phát cho biết doanh thu quý III vừa qua đạt 38.900 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ 2020. Lãi sau thuế cao kỷ lục 10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần quý III năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận của Hòa Phát vượt mốc 10.000 tỷ trong một quý.

Theo Forbes, ông Long hiện có tài sản ròng 3,8 tỷ USD, xếp thứ 853 trên thế giới và là người giàu thứ hai Việt Nam, chỉ sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.

'Lão tướng' sáng lập FPT gọi Hoà Phát là kỳ tích - kinh ngạc, giải thích lý do cùng sản xuất thép nhưng lại có lợi nhuận lớn - Ảnh 1.

Tính tới hết ngày 6/10, tỷ phú Trần Đình Long là người giàu thứ hai Việt Nam, theo Forbes. (Ảnh: Zing News).

Nói về những dấu mốc mà Hoà Phát đạt được trong thời gian qua, "lão tướng" Đỗ Cao Bảo đã có những chia sẻ trên trang Facebook cá nhân. Cụ thể, ông Bảo đã gọi Hoà Phát là "Kỳ tích, kinh ngạc".

Theo ông, trong cơn đại suy thoái kinh tế toàn cầu mà đại dịch COVID-19 gây ra, hàng loạt doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, tạm ngưng hoạt động. Vì vậy, những doanh nghiệp trụ vững, có tăng trưởng là giỏi, còn những doanh nghiệp tang trưởng 10% - 20% là xuất sắc. Dù vậy, sau 9 tháng đầu năm, Hoà Phát có mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 200%, cao gấp ba lần năm 2020. "Thật là một con số không tưởng", ông Bảo chia sẻ.

Đồng thời, Hoà Phát đã chính thức đã gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận trên 1 tỷ USD, đứng chung với những ông lớn như Samsung, Toyota, Viettel, Petro Vietnam, Vietcombank, Vinhomes. Chưa hết, với dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 là 34.650 tỷ đồng, nhiều khả năng Hoà Phát sẽ trở thành công ty Việt Nam có lợi nhuận lớn nhất vào cuối năm 2021, vượt qua cả những tên tuổi lớn như Viettel, Petro Vietnam, Vietcombank.

"Lão tướng" sáng lập FPT cho rằng một doanh nghiệp thép của Việt Nam nằm trong danh sách những công ty thép lớn nhất thế giới là điều đáng tự hào bởi phần lớn các công ty thép đó đều tới từ những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc,  Ấn Độ, Nga, Anh, Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha – những quốc gia có quy mô nền kinh tế lớn gấp 5 đếnn 65 lần Việt Nam.

Nhằm củng cố vị thế trên toàn cầu, Hoà Phát đã quyết định đầu tư 3,7 tỷ USD xây dựng lò cao vào đầu năm 2022 với mục tiêu nâng sản lượng thép lên 70% hàng năm, tránh rủi ro khi Việt Nam bị phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu thép  Trung Quốc. 

Đồng thời, Hoà Phát cũng đã mua toàn bộ cổ phần mỏ quặng sắt Roper của Australia để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định trong thị trường cạnh tranh. Ước tính dự trữ của mỏ sắt Roper lên đến 320 triệu tấn, đủ để Hoà Phát khai thác 80 năm, mỗi năm 4 triệu tấn. Hòa Phát cũng đang thăm dò việc mua cổ phần các mỏ than của Australia, để đảm bảo chủ động cả nguồn nhiên liệu thiết yếu cho sản xuất thép.

Tại sao cùng sản xuất thép, Hoà Phát lại có lợi nhuận cao?

Theo ông Bảo, câu trả lời đơn giản là Hoà Phát đã áp dụng công nghệ tuần hoàn khép kín, tận dụng nguồn nhiệt, khí dư thừa trong quá trình luyện than, luyện gang, thu hồi triệt để nhiệt năng dư thừa trong sản xuất thép để vận hành phát điện cho chính các nhà máy nhiệt điện của Hoà Phát nằm trong khu liên hiệp sản xuất thép của mình.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, lượng điện phát ra của các nhà máy nhiệt điện Hoà Phát ở Dung Quất, Hải Dương đã đạt 1 tỷ kWh, Hoà Phát đã tự chủ được 70%-90% lượng điện sản xuất thép, theo "lão tướng" sáng lập FPT. 

Với việc sử dụng công nghệ tuần hoàn khép kín như vậy, Hoà Phát không những đã tiết kiệm được 3.400 tỷ tiền điện một năm, góp phần rất lớn vào việc giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh mà còn góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

"Việc Hoà Phát trở thành công ty thép có vốn hoá lớn nhất Đông Nam Á, lớn thứ 15 thế giới (trong danh sách các công ty thép toàn cầu), cùng với Vinamilk là thương hiệu số 1 Đông Nam Á, số 4 toàn cầu trong bảng xếp hạng thương hiệu ngành thực phẩm và đồ uống và Viettel là thương hiệu viễn thông số 1 Đông Nam Á, số 10 châu Á, số 24 thế giới (theo xếp hạng của Brand Finance) chính là hình ảnh một nước Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ trên trường quốc tế", ông Bảo nhận định.

Bên cạnh đó, với việc đặt tiêu đề "Hoà Phát: Kỳ tích, kinh ngạc", ông Bảo hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục có những tập đoàn khác lập nên những kỳ tích kinh ngạc như những gì Hoà Phát làm được trong thời gian qua.

Quốc Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.