Lão nông Khmer thu nhập tiền tỷ từ kinh doanh rơm
Ông Lâm Se là người dân tộc Khmer ở khóm 2, phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, xuất thân từ gia đình nghèo. Ông Lâm Se luôn tâm niệm sẽ nỗ lực lao động sản xuất để cải thiện đời sống. Năm 27 tuổi ông lập gia đình với tư liệu sản xuất chỉ vài công đất ruộng được gia đình đôi bên chia cho. Những năm đầu là thời gian tích lũy vốn liếng, đầu tư mua đất đai mở rộng sản xuất.
Sau thời gian nỗ lực không mệt mỏi, ông đã có 11 ha đất trồng lúa và phát triển kinh tế gia đình. “Cuộc đời tôi cố gắng làm sao phát triển được cái nghề có thể nuôi sống bản thân, gia đình, con cái của mình có ruộng đất để làm, nhà cửa để ở” ông Lâm Se nói.
Những năm gần đây, nhờ sản xuất lúa cao sản, lúa chất lượng cao, nên mỗi vụ ông Lâm Se đều thu về lợi nhuận trên dưới 300 triệu đồng. Tất bật với ruộng đồng là thế, nhưng khi thấy mô hình kinh tế nào hiệu quả, ông lại tìm tòi, học hỏi để thực hiện.
Ông Lâm Se là người dân tộc Khmer bên máy cuốn rơm thu trên dưới 20 triệu mỗi ngày. |
4 năm trước, thông qua các phương tiện truyền thông và những chuyến tham quan thực tế mô hình chăn nuôi bò sữa ở các địa phương trong tỉnh, ông Lâm Se đã đầu tư mua 2 con bê về nuôi. Vốn là nông dân cần cù, chịu khó, nên chỉ sau 2 năm, đàn bò sữa của ông đã phát triển lên 7 con với thu nhập sữa hàng tháng cũng gần 20 triệu đồng.
Trong khi thói quen của người dân tỉnh Sóc Trăng lâu nay thường không tận dụng mà chỉ bỏ rơm ngoài đồng hoặc bán cho các thương lái ở nơi khác. Ông Lâm Se đã đầu tư máy móc về thu gom rơm để bán khi thấy rơm là thị trường tiềm năng không chỉ bây giờ mà cả những năm sau này.
“Đối với dịch vụ thu gom rơm, tôi đánh giá đây là nghề có thể cho lợi nhuận cao. Tôi đầu tư một máy thu gom rơm nhưng làm không kịp, nên phải mua thêm 2 máy nữa” – ông Lâm Se cho biết.
Ông Se sẽ mở rộng kinh doanh bán rơm. |
Vừa làm dịch vụ cuốn rơm cho nông dân vừa thu mua rơm tích trữ để bán, ông Se tính toán, với 3 máy cuốn rơm, mỗi ngày ông thu về từ 1.500 – 2.000 cuộn rơm, trừ mọi chi phí, thu lợi nhuận 20 triệu đồng.
Ý thức được cơ giới hóa nông nghiệp đang là hướng đi bền vững và được ngành nông nghiệp và người dân đẩy mạnh, ông Se đầu tư mua 2 máy cày làm dịch vụ xới đất và mới đây là máy gặt đập liên hợp. Trong vụ thu hoạch lúa đông xuân này, máy gặt đập liên hợp của ông đã thu hoạch gần 500 ha lúa cho bà con tại địa phương.
Từ các dịch vụ sản xuất nông nghiệp này, bên cạnh thu nhập, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, với ông Se còn giải quyết việc làm thường xuyên cho bà con lao động. Ông Se tâm sự, trong khoảng 3 năm nay, gia đình ông luôn có từ 10-15 công nhân lao động quanh năm, với thu nhập mỗi tháng từ 6-7 triệu đồng.
“Ông Se luôn đi đầu trong các phong trào mà Hội nông dân phát động, như phong trào nuôi bò sữa, nuôi bò sin. Hiện nay thì chuyển qua làm nghề cuốn rơm để bán, mang lại hiệu quả rất cao, là người đi đầu tại địa phương” - ông Lý Hồng Lộc, Chủ tịch Hội nông dân phường 5, thành phố Sóc Trăng đánh giá.
Với sự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, ông Lâm Se được Trung ương và tỉnh Sóc Trăng tặng nhiều bằng khen. Đặc biệt, năm ngoái, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.