|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãnh đạo Masan lần đầu chia sẻ về chuỗi nhà thuốc Dr.Win, dự định mở 500 - 1.000 cửa hàng năm tới

13:49 | 31/08/2022
Chia sẻ
Điều khác biệt giữa Dr.Win so với các chuỗi nhà thuốc hiện đại chính là tính chuyên gia và có thể có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà. Ngoài ra Dr.Win còn dự định cung cấp các gói bảo hiểm sức khỏe cho người dân trong khu vực.

Tháng trước, trên một số trang web tuyển dụng xuất hiện thông tin CTCP Dr.Win tuyển dụng số lượng lớn dược sĩ cho chuỗi nhà thuốc được giới thiệu là lớn nhất Việt Nam. Lúc đó, Dr.Win đăng kèm tin tuyển dụng với hình ảnh logo thương hiệu WinMart+, chuỗi siêu thị thuộc Tập đoàn Masan (Mã: MSN).

Việc chuẩn bị cho chuỗi nhà thuốc Dr.Win đã được Masan rục rịch thực hiện trước đó. Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tiền thân của CTCP Dr.Win là CTCP Thương mại dịch vụ Winphar, thành lập vào ngày 31/3 với số vốn điều lệ 10 triệu đồng. Ngành nghề chính của Winphar là bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm, vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh. Ngày 1/7, công ty đã tăng vốn điều lệ lên 28,5 tỷ.

  Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. 

Ông Trần Phương Bắc (sinh năm 1974) là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Dr.Win. Ông Bắc cũng là người đại diện pháp luật của nhiều công ty liên quan tới Tập đoàn Masan như Công ty TNHH MNS Meat Processing, MNS Meat, MNS Farm, CTCP Supra, CTCP The Supra... Trong khi đó, bà Đỗ Thị Hoàng Yến là người được CTCP Hàng tiêu dùng Masan ủy quyền công bố thông tin của công ty.

Trụ sở chính của Dr.Win được đặt tại tầng 5, Toà nhà MPlaza Saigon, số 39 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM - nơi đặt văn phòng của nhóm công ty liên quan đến Masan.

Trong cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư chiều 30/8, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Wincommerce đã lần đầu chia sẻ với công chúng về chuỗi nhà thuốc Dr.Win.

Thị trường bán lẻ dược phẩm được ước tính có quy mô khoảng 7 - 8 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng 2 con số trong các năm tới. Tuy nhiên, thị phần chủ yếu vẫn nằm trong tay các nhà thuốc bệnh viện và còn lại là nhà thuốc bên ngoài với khoảng 60.000 cửa hàng. Trong đó, kênh bán hàng hiện đại có chưa đến 3.000 cửa hàng, tức chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ khoảng 5 - 7%.

Với tiềm năng rộng mở, nhiều tập đoàn lớn cũng đã nhập cuộc như Pharmacity, Long Châu, An Khang và họ đang đẩy mạnh quá trình bao phủ.

Theo bà Phương, chuỗi nhà thuốc Dr.Win sẽ không giống các chuỗi nhà thuốc đang có mặt trên thị trường hiện tại. Chuỗi Dr.Win sẽ đánh mạnh về tính chuyên gia, sẽ có bác sĩ, có chuyên gia trong lĩnh vực y tế và mục tiêu sẽ trở thành "community health care" - tức là chương trình chăm sóc sức khỏe có thể đến thăm khám cho khách hàng tại nhà. Ngoài ra, Dr.Win còn dự định cung cấp gói bảo hiểm cho khách hàng.

Trong năm tới, Dr.Win dự kiến sẽ mở 500 - 1.000 cửa hàng. Trong bối cảnh từng đại gia bán lẻ đang cạnh tranh từng mét vuông mặt bằng, thì việc tích hợp Dr.Win vào hệ thống bán lẻ có sẵn của Winmart/Winmart+ sẽ là lợi thế. Điều này cũng rất phù hợp với chiến lược của tập đoàn là tích hợp các nhu cầu cơ bản, nhu cầu trải nghiệm và nhu cầu tài chính của khách hàng tại 1 điểm bán duy nhất. Masan gọi tên đó là mô hình Minimall.

 Ảnh chụp màn hình.

Chia sẻ thêm mô hình Minimall, ông Lê Bá Nam Anh, Giám đốc Chiến lược và Phát triển của Tập đoàn Masan cho biết, Minimall sẽ tích hợp các cửa hàng Winmart, Techcombank, Phúc Long, Reddi và cả Dr.Win. Trong quý IV tới, người tiêu dùng sẽ được trải nghiệm mô hình Minimall này, trước hết là tại TP HCM và Hà Nội.

Theo kế hoạch, tập đoàn sẽ mở mới 100 Minimall tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, sau đó sẽ là Đà Nẵng, Hải Phòng hay Cần Thơ.

Giữa năm 2021, Masan bắt đầu thâu tóm mua lại Phúc Long và đã tích hợp kiosk chuỗi trà sữa này vào các cửa hàng Winmart. Masan cũng dự định làm điều tương tự với Dr.Win. (Ảnh minh họa: Minh Hằng). 

Từ đầu năm, tập đoàn đã đầu tư 65 triệu USD để mua lại 25% cổ phần của Trusting Social - công ty Fintech nhằm áp dụng trí tuệ nhân tạo vào việc lựa chọn vị trí đặt cửa hàng, lập kế hoạch cung cầu, tối ưu hóa phân loại các sản phẩm nhằm đem đến trải nghiệm hiệu quả cho khách hàng. Bên cạnh đó, bà Phương cũng chia sẻ, tập đoàn dự định thuê nhà thiết kế đến từ Pháp để sắp xếp lại bên trong các cửa hàng, nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên giá trị cho người tiêu dùng.

Để tạo được sự khác biệt với các đối thủ như Bách Hóa Xanh, Masan cho rằng mấu chốt ở chỗ xác định tập khách hàng. Bán lẻ là môi trường tiềm năng và đầy quy mô để các ông lớn nhảy vào. Dư địa thị trường vẫn còn tới 80% (do 80% người dân vẫn đang ra chợ truyền thống để mua hàng). Đại diện Masan cho rằng quan trọng là ai tìm ra cách để dẫn dắt thị trường và chiến thắng nhanh hơn. Bà Phương kỳ vọng Minimall sẽ là mô hình tất yếu trong tương lai.

Minh Hằng