Lạng Sơn: Giá lợn hơi bấp bênh, thận trọng khi ồ ạt tái đàn
Gần đây, do giá lợn hơi trên thị trường tăng cao, nông dân tỉnh Lạng Sơn đã và đang bắt đầu quay lại chăn nuôi lợn thịt. Tuy nhiên, việc tái đàn chăn nuôi cũng cần phải thận trọng, tránh trường hợp mất cân đối giữa cung và cầu, thiệt hại cho người chăn nuôi.
Sau 7 tháng bỏ chăn nuôi lợn, hiện nay do thấy giá lợn hơi tăng cao từ 55 nghìn đến 56 nghìn đồng/kg nên gia đình nhà chị Triệu Thị Sim ở thôn Quảng Hồng 2, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn quay trở lại nuôi lợn thịt. Trong chuồng của gia đình chị đã có trên 10 con lợn, dự kiến khoảng 4 tháng nữa mới xuất chuồng. Tuy nhiên, chị Sim cũng rất băn khoăn giá cả của đàn lợn sẽ như thế nào trong thời gian tới.
Người chăn nuôi cần phải thận trọng khi tái đàn. (Ảnh minh họa) |
Năm 2017, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thiệt hại về kinh tế khá lớn do giá lợn xuống thấp. Có thời điểm, giá lợn hơi chỉ còn 25 nghìn đồng/kg. Nhiều gia đình đã bỏ nuôi lợn chuyển sang làm việc khác. Năm nay, giá lợn hơi lại tăng cao, chạm mốc 57.000 đ/kg nên nhà nhà lại bắt đầu quay trở lại chăn nuôi lợn. Tình trạng tái đàn lợn ồ ạt khiến dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu là điều rất có khả năng xảy ra.
Ông Hoàng Văn Quân – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cho biết, huyện cũng đã chỉ đạo các xã là tiếp tục tái đàn ở mức độ nó phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện và nhu cầu trên địa bàn.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã phát triển tổng đàn lợn lên khoảng 315.000 con. Cùng với việc định hướng trong chăn nuôi, ngành chức năng cũng đã khuyến cáo bà con nhân dân nên chăn nuôi theo hướng lợn an toàn, vừa nâng cao giá trị thương phẩm vừa đảm bảo ổn định cho đầu ra. Chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh.
Ông Dương Doãn Doanh, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thú y tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo: Phải mua con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mua tại các cơ sở có uy tín. Để phòng chống dịch bệnh, bà con cần phải chú ý tiêm phòng các loại bệnh.
Hiện nay, lợn hơi khan hiếm trong khi đó người chăn nuôi tỉnh Lạng Sơn mới bắt đầu tái đàn trở lại. Việc cung không đáp ứng được cho cầu, dẫn đến tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng vận chuyển lợn hơi nhập lậu từ Trung Quốc vào địa bàn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi trên địa bàn đồng thời gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Đinh Văn Hùng – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 10, Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho hay: Vừa qua, một số đối tượng đã đặt hàng người dân biên giới sang bên kia Trung Quốc để dắt lợn về các làng bản khu vực biên giới, sau đó bán cho một số đối tượng, lén lút đưa một số xe tải đến vận chuyển nhỏ lẻ qua địa bàn.
Đội QLTT số 10 đã phối hợp với lực lượng công an tỉnh tổ chức kiểm tra và xử lý ngăn chăn ngay từ lúc đầu. Tổ chức bắt vụ lợn đầu tiên, tuy rằng số lượng không lớn nhưng là một trong những bước có sức răn đe từ đầu, ông Hùng chia sẻ.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ và tiêu hủy gần 5 tấn lợn thịt nhập lậu từ Trung Quốc vào nội địa. Riêng trong ngành Thú y, cái khó trong việc kiểm soát nội địa là do quy định của Thông tư 25 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm dịch vận chuyển.
Ông Chu Minh Hải – Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Lạng Sơn thông tin: Trước đây kiểm dịch vận chuyển trong nội địa từ huyện này sang huyện khác phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển. Tuy nhiên theo Thông tư số 25 của Bộ Nông nghiệp bãi bỏ kiểm dịch vận chuyển trong nội tỉnh. Tại thời điểm này, một số lợn được nghi ngờ lợn nhập lậu từ Trung Quốc sang thì rất khó khăn trong khâu kiểm soát.
"Các chủ hộ mua về họ trình bày là mua ở các huyện về. Chúng tôi qua kiểm tra cũng chưa phát hiện ra được lợn Trung Quốc", ông Hải cho biết thêm.
Người chăn nuôi mất từ 6 - 7 tháng mới xuất chuồng được một lứa lợn. Trong khi giá cả lợn hơi rất bấp bênh, việc tái đàn chăn nuôi của bà con nhân dân cần thận trọng, không nên ồ ạt tái đàn, tránh trình trạng cung vượt cầu và lợn hơi lại rớt giá. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng cần tăng cường công tác ngăn chặn lợn hơi nhập lậu từ Trung Quốc vào nội địa để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi và quyền lợi cho người tiêu dùng.