|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Làn sóng bán tháo quá mạnh, Dow Jones futures bay hơn 1.200 điểm

20:45 | 05/08/2024
Chia sẻ
Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày 5/8, tiếp tục làn sóng bán tháo trên toàn cầu.

Cụ thể, đồng tương lai chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones “bốc hơi” 1.285 điểm, tương đương 3,2%. Trong phiên giao dịch ngày 2/8, Dow Jones giảm đến 611 điểm.

Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 giảm 4,4% sau khi chỉ số chuẩn này mất 1,8% vào phiên cuối tuần trước. Hợp đồng tương lai Nasdaq 100 tụt 5,7% khi các cổ phiếu công nghệ gặp khó ngay phiên giao dịch đầu tuần.

Nếu Dow Jones tiếp đà giảm trong ngày 5/8, đây sẽ là phiên đầu tiên chỉ số này mất 1.000 điểm kể từ tháng 9/2022, CNBC cho hay.

Sau báo cáo việc làm tháng 7 đáng thất vọng của Mỹ, các nhà đầu tư trở nên lo lắng không yên. Nỗi lo suy thoái kinh tế tại Mỹ là nguyên nhân chính khiến thị trường tài chính toàn cầu đỏ lửa.

Các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất. Ở cuộc họp mới nhất, các quan chức chọn giữ nguyên lãi suất ở mức đỉnh 22 năm thay vì hạ chi phí đi vay.

Ngoài ra, dòng tiền vào các cổ phiếu trí tuệ nhân tạo từng nóng bỏng đã có sự đảo chiều. Cổ phiếu công nghệ nằm trong số những cổ phiếu giao dịch kém nhất trong phiên giao dịch sớm tại Mỹ.

Nvidia sụt 9%, còn Apple giảm hơn 8% sau khi tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett giảm gần một nửa vị thế trong nhà sản xuất iPhone vào quý II.

Những cổ phiếu công nghệ quay đầu giảm còn có Tesla (tụt 7%) và Broadcom cùng Super Micro Computer - mỗi công ty mất hơn 9%.

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lao dốc do nhà đầu tư lo sợ suy thoái và tìm cách mua vào các tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tụt từ 4,2% xuống còn khoảng 3,7%, mức thấp nhất trong khoảng một năm.

Chỉ số biến động Cboe - thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall - vọt lên trên mốc 53, mức cao nhất kể từ những ngày đầu đại dịch.

Tại châu Á, cổ phiếu Nhật Bản đã rơi vào thị trường gấu trong phiên 5/8 khi làn sóng bán tháo diễn ra khắp nơi. Hai chỉ số chính là Nikkei 225 và Topix cùng giảm hơn 12%.

Chỉ vài tuần trước, các nhà đầu tư vẫn còn vui vẻ ăn mừng. So với mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 11/7, các chỉ số chính của chứng khoán Nhật Bản đã lao dốc hơn 20%.

Ở chiều ngược lại, đồng yen tiếp tục vọt lên mức cao nhất so với đồng bạc xanh kể từ tháng 1. Hiện tại, đồng nội tệ của Nhật Bản đang giao dịch quanh mức 143,6 yen đổi 1 USD.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tụt 8,7%, trong khi Kosdaq giảm 11,7%. Theo Reuters, trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, giao dịch tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạm dừng nhiều nhằm ngăn tình trạng bán tháo trong hoảng loạn.

Theo xu hướng chung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ số VN-Index của Việt Nam giảm hơn 3,9%.

 

 

Khả Nhân

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Hạ lãi suất cần cân nhắc đến tỷ giá, tác động từ Fed sẽ có độ trễ
Theo chuyên gia, động thái nới lỏng gần đây của NHNN sẽ giúp hạ lãi suất huy động, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới tỷ giá, nhất là trong bối cảnh Fed hạ lãi suất mới chỉ mang tác động về mặt tâm lý.