Lần đầu tiên chi ngân sách của Nhật Bản vượt ngưỡng 100.000 tỷ yen
Hạ viện Nhật Bản ngày 2/3 đã thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách ở mức kỷ lục 101.460 tỷ yen (913 tỷ USD) cho năm tài khóa 2019, đồng thời đảm bảo dự toán ngân sách mới này có hiệu lực trước khi năm tài khóa 2019 bắt đầu từ ngày 1/4.
Đây là lần đầu tiên chi tiêu ngân sách của Nhật Bản vượt ngưỡng 100.000 tỷ yen, trong bối cảnh chi phí an sinh xã hội và sách quốc phòng đều gia tăng, bên cạnh chương trình kích kích tài khóa nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước giữa lúc kế hoạch tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% dự kiến được thực hiện vào tháng 10/2019.
Sau khi vượt qua “ải” Hạ viện, kế hoạch ngân sách tài khóa 2019 sẽ được trình lên Thượng viện. Nhưng dự thảo ngân sách này chắc chắn sẽ có hiệu lực trước khi tài khóa hiện tại kết thúc vào ngày 31/3 vì Quốc hội Nhật Bản thường ưu tiên các quyết định của Hạ viện hơn Thượng viện. Dự thảo ngân sách vì thế sẽ tự động có hiệu lực 30 ngày sau khi được Hạ viện thông qua.
Kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2019 đã trải qua nhiều lần sửa đổi. Trong vòng chưa đầy một tháng sau khi được Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe phê chuẩn hồi tháng 12/2018, kế hoạch này đã phải điều chỉnh để bao gồm 650 triệu yen chi phí liên quan đến vụ bê bối dữ liệu lao động khiến hơn 20 triệu người lao động tại Nhật Bản hưởng phúc lợi thấp.
Hơn 1/3 ngân sách, mức kỷ lục 34.060 tỷ yen, sẽ được chi cho các chương trình an sinh xã hội như lương hưu và chăm sóc y tế. Chi tiêu của Chính phủ Nhật Bản cho những chương trình này đã không ngừng gia tăng khi người già ngày càng chiếm phần lớn trong dân số của nước này.
Chi tiêu quốc phòng cũng chạm mức cao kỷ lục 5.260 tỷ yen. Bên cạnh đó, trong nỗ lực nhằm giảm nhẹ những tác động tiêu cực khi thuế tiêu dùng được nâng từ 8% như hiện nay lên 10% bắt đầu từ ngày 1/10 tới, chính phủ đã dành 2.030 tỷ yen cho các biện pháp tài chính, bao gồm chương trình hoàn tiền cho các giao dịch mua hàng không dùng tiền mặt, và phiếu giảm giá cho những hộ gia đình thu nhập thấp hay có con nhỏ.