|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lần đầu hé lộ bức tranh tài chính của Con Cưng: Lợi nhuận lao dốc, cháy kho hàng thiệt hại hơn 85 tỉ đồng

16:30 | 17/09/2019
Chia sẻ
Đây là lần đầu tiên Con Cưng chính công bố thông tin tài chính kể từ ngày thành lập đến nay theo Nghị định số 163 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trước đó, thông tin từ các nhà môi giới cho biết Con Cưng đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân lên đến 70%/năm và 60%.
cua-hang-con-cung-1-15626625210551171698698

Chuỗi mẹ và bé của Con Cưng đang có 438 cửa hàng trên toàn quốc

Tăng trưởng không như kì vọng

Theo báo cáo tài chính 6 bán niên 2019 chưa được kiểm toán, Công ty Cổ phần Đầu tư Con Cưng, đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng mẹ và bé Con Cưng có tổng nguồn vốn 895 tỉ đồng, tăng 21% so với thời điểm đầu năm nay. Vốn chủ sở hữu của Con Cưng ghi nhận mức 203 tỉ đồng, bao gồm 26,25 tỉ đồng vốn góp của các cổ đông.

Trong khi đó, nợ phải trả chiếm 692 tỉ đồng, chiếm 77% tổng nguồn vốn và tăng 29%; riêng nợ vay ngắn hạn và nợ trái phiếu tổng cộng 460 tỉ đồng, tăng 20,4% so với cuối tháng 12/2018.

Nợ của Con Cưng tăng trong 6 tháng đầu năm nay phần lớn do khoản nợ vay trái phiếu kỳ hạn 1,5 năm với lãi suất 11% phát hành cuối tháng 6 năm nay. Thông qua CTCP Chứng khoán SSI, Con Cưng đã phát hành thành công 98 tỉ đồng trong tổng số 100 tỉ đồng trái phiếu cho 60 nhà đầu tư tổ chức và 38 nhà đầu tư cá nhân.

Tai san con cung 2

Theo thông tin trước đợt phát hành, cho biết năm 2018, chuỗi cửa hàng cho mẹ và bé Con Cưng chạm mốc 414 cửa hàng trên toàn quốc. Doanh thu thuần đạt 1.566 tỉ đồng, tăng trưởng 70%; lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBITDA) 50 tỉ đồng, tăng trưởng 22% so với năm 2017.

Thông tin cũng cho biết tỉ lệ tăng trưởng bình quân (CARG) về doanh thu và lợi nhuận sau thuế của chuỗi cửa hàng kinh doanh cho mẹ và bé lên tới 72%/năm và 60%/năm. Tuy nhiên con số cụ thể về lợi nhuận sau thuế của chủ thương hiệu Con Cưng không được công khai.

con-cung

Chi phí bán hàng bao gồm chi phí mặt bằng và chi phí nhân viên tăng mạnh (Nguồn: Con Cưng)

Theo báo cáo lần này, lợi nhuận của chuỗi bán lẻ này bất ngờ giảm mạnh so với thực hiện của cùng kì năm trước. Kết thúc 6 tháng đầu năm, bất chấp doanh thu của chuỗi Con Cưng tiếp tục tăng 37% lên mức trên 1.000 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp cũng nhích nhẹ lên mức 30%.

Tuy nhiên, do chi phí tăng mạnh, đặc biệt là chi phí bán hàng (chiếm đến 25% doanh thu) và chi phí tài chính tăng mạnh khiến công ty không còn giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận, thậm chí giảm đến 84% xuống chỉ còn 1,2 tỉ đồng so với con số 7,4 tỉ đồng thực hiện trong cùng kì năm trước.  

Dù vậy, dòng tiền kinh doanh trong kì của Con Cưng đã có sự dịch chuyển tích cực hơn trong giai đoạn 6 tháng đầu năm nay; chỉ còn ghi nhận mức âm 4 tỉ đồng so với khoản âm 93 tỉ đồng của cùng kì năm trước do giảm hàng tồn kho, khoản phải thu và các chi phí trả trước.

Từng cháy kho thiệt hại hơn 85 tỉ đồng hồi tháng 4

Con Cưng không thuyết minh lí do lợi nhuận sụt giảm mạnh, tuy nhiên, theo thuyết minh số 7 về khoản phải thu từ bên liên quan, Con Cưng đang ghi nhận 85,5 tỉ đồng phải thu bao gồm giá trị hàng tồn kho hư hại từ vụ hoả hoạn vào ngày 11/4/2019 của kho chứa hàng của Công ty Pan Pacific Logistics tại KCN Sóng Thần 2, Thị xã Dĩ An Bình Dương.

"Vào ngày lập báo cáo tài chính giữa niên độ này, Công ty vẫn đang làm việc với công ty Bảo hiểm QBE Việt Nam và các bên có liên quan để thống nhất số liệu thiệt hại. Tuy nhiên, căn cứ vào các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm được kí ngày 21/4/2017 với QBE và kết quả với các bên liên quan, Ban Tổng giám đốc tin tưởng rằng khoản thiệt hại này sẽ được bồi thường thoả đáng", báo cáo của Con Cưng nêu.

Hệ thống siêu thị bán lẻ Con Cưng (Concung.com) ra đời năm 2011 đến nay đã có hơn 438 cửa hàng trên toàn quốc. Báo cáo của Con Cưng cũng cho biết, tại ngày 30/6/2019, số lượng nhân viên của Nhóm Công ty đã lên đến 3.146 nhân viên, tăng 852 người so với hồi đầu năm.

3 công ty con của Con Cưng gồm Công ty Cổ phần Thương Mại LIAM chuyên cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn quản lí; Công ty Cổ phần Con Cưng (CCJ) chuyên bán buôn hàng may mặc, dồ dùng gia đình; Công ty Cổ phần tập đoàn Sakira (SGC) cũng có chức năng tương tự như CCJ nhưng có thêm lĩnh vực khác là thiết kế thời trang, sản xuất hàng may sẵn.

Cổ đông lớn nhất của Con Cưng hiện nay bao gồm Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM II (Daiwa-SSIAM II) do SSIAM (một đơn vị thuộc SSI) đồng quản lý với Daiwa Corporate Investment Co., Ltd (thuộc Tập đoàn Daiwa Securities – Nhật Bản) đầu tư vào Con Cưng từ cuối năm 2016; nhóm này hiện đang sở hữu gần 40% cổ phần tại Con Cưng; 35% cổ phần thuộc về Ban giám đốc còn lại là các nhà đầu tư khác.

Cuối tháng 7/2018, Con Cưng vấp phải nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hoá từ khiếu nại của một khách hàng tại TP HCM khi mua một bộ quần áo thun có mã sản phẩm CF G127011. Khách hàng này cho rằng sản phẩm đã bị cắt tem nhãn, thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thái Lan".

Ngay sau đó, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM vào cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Công ty cổ phần Con Cưng.

Kết luận kiểm tra về chấp hành pháp luật sản xuất, kinh doanh của Con Cưng được Bộ Công Thương công bố giữa tháng 8/2017. Theo đó, doanh nghiệp này không vi phạm bán hàng giả mạo xuất xứ như nghi vấn trước đó, mà chỉ mắc lỗi trong khuyến mãi, thương mại điện tử...

Hoàng Trung

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.