|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Làm thế nào để nâng cao năng suất mía?

16:25 | 13/08/2019
Chia sẻ
Để tăng năng suất mía, nông dân có thể áp dụng trồng mía trước mùa khô kết hợp tưới nhỏ giọt.

Được biết đến là loại cây công nghiệp dễ trồng, mía có thể thích nghi trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, đất có tầng canh tác sâu, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, PH trung tính, thoát nước tốt, độ dốc <100 sẽ là tiền đề cho cây mía sinh trưởng vượt trội.

Ngoài ra, quy trình kỹ thuật làm đất, chăm bón, tưới tiêu cũng như lựa chọn giống mía, thời điểm xuống giống… cũng tác động lớn đến năng suất, chất lượng mía.

Hiện nay, năng suất bình quân mía ở nhiều tỉnh thành nước ta bình quân khoảng 60 - 70 tấn/ha, chỉ một số ít diện tích cho năng suất vượt trội như 100 tấn/ha ở Tây Ninh, 96 tấn/ha ở Gia Lai, 90 tấn/ha ở Sơn Dương (Tuyên Quang)…

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm canh tác mía đạt năng suất, chất lượng cao do CTCP Đường Biên Hòa (TTC Sugar – Mã: SBT) tổ chức ngày 13/8, các chuyên gia đến từ công ty ICL (thành lập bởi 4 đối tác ở 4 quốc gia Thái Lan, Úc, Malaysia, Philippines) đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế được áp dụng tại Thái Lan - có khu vực cho năng suất 190 tấn/ha.

H1_Hoi thao chia se nhieu kinh nghiem thuc te giup tang nang suat, chat luong mia

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm canh tác mía đạt năng suất, chất lượng cao ngày 13/8 (Nguồn: TTC Sugar)

Theo đó, người trồng mía cần lưu ý lựa chọn thời điểm trồng mía trước mùa nắng hạn, thời điểm phù hợp nhất là tháng 10 - 11 sẽ cho chữ đường (CCS) cao.

Nếu xuống giống trong khoảng tháng 12 đến tháng 3 vào đúng mùa nắng, độ ẩm đất thấp trong khi mía cần nước để nảy mầm, còn trồng giai đoạn tháng 4,5,6 đầu mùa mưa năng suất, chất lượng mía bị sụt giảm.

Ngoài ra, cần chuẩn bị chu đáo khâu làm đất, độ sâu hơn 50cm hoặc sâu nhất có thể, lưu ý kỹ thuật phá vỡ tầng đế cày để nước được lưu lại trong lòng đất, rễ phát triển hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, không đốt lá khi thu hoạch, giữ lá mía che phủ đất, ngăn ngừa bốc hơi ẩm, tăng nguồn hữu cơ cho đất.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ cách trồng hàng đôi, quy trình trồng giặm bằng hom, tách bụi, giặm bằng bầu, bằng máy; phương pháp quản lý nước tưới bằng phương pháp nhỏ giọt, phân tích ưu nhược điểm và so sánh số liệu cụ thể từ hiệu quả việc tưới theo rãnh, tưới phun, tưới nhỏ giọt ngầm, tưới nhỏ giọt nổi.

Từ năm 2007, Thái Lan áp dụng trồng mía trước mùa khô kết hợp tưới nhỏ giọt giúp cho năng suất đạt 125 - 187 tấn/ha (theo nguồn Hiệu quả kinh tế nghề trồng mía tại Kanchanaburee và Nakornpratom).

Đồng thời, nông dân cần nắm bắt được nhu cầu nước của cây mía theo các giai đoạn sinh trưởng, mỗi giai đoạn nảy mầm, đẻ nhánh, vươn lóng, trưởng thành và chín cần mức nước khác nhau, trung bình cây mía 11 tháng tuổi cần khoảng 1.500 mm nước/ngày.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đến ngày 30/6, các nhà máy đã ép khoảng 12 triệu tấn mía, sản xuất được gần 1,2 triệu tấn đường, giảm 20% so với niên vụ trước và khoảng 22% so với kế hoạch đầu vụ.

Các chuyên gia cho biết, việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây mía là giải pháp hiệu quả, thiết thực cho ngành mía đường Việt Nam.

Tuy nhiên, để có thể triển khai đồng bộ rất cần hỗ trợ chia sẻ từ phía chính phủ cũng như sự chung sức của doanh nghiệp và nông dân trong thời điểm có nhiều thách thức, khó khăn như hiện tại.

TH