|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làm rõ khái niệm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường

10:48 | 08/04/2017
Chia sẻ
Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi ) do Bộ Công Thương soạn thảo đã sửa quy định về doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, điểm đang được coi là không phù hợp với thực tế và gây khó khăn khi thực thi của luật hiện hành.

lam ro khai niem doanh nghiep thong linh thi truong Đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa do của Jetstar Pacific và Vietnam Airlines được luật sư đánh giá là vi phạm Luật Cạnh tranh, nhất là khi Vietnam Airlines hiện nắm giữ lượng lớn cổ phần trong Jetstar Pacific. Ảnh: Minh Tâm

Điều 18, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) quy định: “Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo khoản 2, điều 10 luật này”.

Hai doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan.

Với ba doanh nghiệp, tổng thị phần là từ 65% trở lên và bốn doanh nghiệp, tổng thị phần là từ 75% trở lên.

Đồng thời, điều 19 của dự thảo luật này quy định 10 hành vi bị cấm của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền. Ví dụ: cấm bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ mà không có lý do chính đáng; cấm áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu…

So với Luật Cạnh tranh hiện hành, dự thảo mới đã bổ sung thêm công cụ để xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp. Đó là, ngoài yếu tố thị phần như luật hiện hành còn có thêm yếu tố “sức mạnh thị trường” cùng cách xác định kèm theo.

Theo đó, điều 11 dự thảo luật chỉ ra hai cách để xác định thị phần của doanh nghiệp trên thị trường có liên quan. Một là tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu hoặc số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu hoặc tổng số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quí, năm. Hai là tỷ lệ phần trăm giữa doanh số hoặc số đơn vị hàng hóa, dịch vụ mua vào.

Còn để xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp thì theo dự thảo luật này, sẽ dựa vào thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan; cấu trúc thị trường và tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường; khả năng tiếp cận, kiểm soát thị trường tiêu thụ sản phẩm hoặc thị trường nguồn cung; năng lực tài chính của doanh nghiệp, của công ty mẹ, hoặc của tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có quyền kiểm soát hoặc chi phối hoạt động của doanh nghiệp...

Tại báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Bộ Công Thương cho rằng, việc bổ sung tiêu chí và cách tính thị phần như dự thảo luật sẽ giúp cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các bên liên quan xác định được doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh một cách khách quan, công bằng. Qua đây, sẽ giảm rủi ro phát sinh từ việc không chắc chắn về vị trí của doanh nghiệp trên thị trường; giảm vi phạm pháp luật cạnh tranh và khiếu nại, khiếu kiện.

Không chỉ vậy, khi đã có những tiêu chí tính toán thị phần thì cơ quan chức năng sẽ có cơ sở, căn cứ pháp lý rõ ràng để thực hiện nghiên cứu tiền tố tụng hay điều tra vụ việc cạnh tranh.

Làm thế nào để xác định được doanh nghiệp thống lĩnh thị trường lâu nay vốn được coi là điểm yếu của luật hiện hành. Theo Bộ Công Thương, việc chỉ sử dụng tiêu chí “thị phần” như luật hiện hành là chưa phù hợp, chưa phản ánh đúng vị thế, sức mạnh của doanh nghiệp trên thị trường.

Trong nhiều trường hợp, như thị trường có rào cản gia nhập và rào cản mở rộng thị trường thấp, doanh nghiệp có mức thị phần cao chưa hẳn đã có sức mạnh thị trường và ngược lại.

Minh Tâm