|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Lạm dụng đặt đồ ăn qua app thải lượng rác nhựa khổng lồ'

10:55 | 11/11/2024
Chia sẻ
Người trẻ nên tránh lạm dụng đặt đồ ăn qua app để bớt rác thải nhựa, giúp giảm chi phí xử lý môi trường, theo Hoa hậu môi trường thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà.

Tại Talkshow Rác phân loại đúng - Rác là tài nguyên trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Việt Nam xanh, sáng 9/11 ở TP HCM, Thanh Hà kể rằng trước đây giống như nhiều người trẻ khác thích sự tiện lợi, "muốn ăn gì lên app (ứng dụng) order".

Hoa hậu môi trường thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà tại sự kiện sáng 9/11. Ảnh: Quang Định

Tuy nhiên, mỗi lần gọi món về có quá nhiều bọc nylon, hộp nhựa, ống hút, túi bóng nhiều lớp, đồ dùng một lần rồi vứt khiến cô phải suy nghĩ. "Chỉ một bữa ăn mà thải ra một mớ rác nhựa khổng lồ", Hoa hậu môi trường thế giới 2023 nói.

Theo khảo sát một suất cơm, bún, phở... mang đi thải ra ít nhất 3-4 loại rác như hộp nhựa, túi nylon, muỗng, dao nhựa tùy loại. Ví dụ một suất bún thông thường bao gồm bọc đựng bún, túi nylon đựng nước dùng, 1-2 túi gia vị mắm, ớt, hộp nhựa nhỏ đựng nước chấm, đũa gỗ dùng một lần, muỗng nhựa và túi nylon lớn để đựng tất cả các thứ trên.

Tương tự, một đơn hàng đồ uống cũng có 2-3 loại rác thải nhựa như ống hút, muỗng nhựa, túi nylon bọc ngoài. Đa phần các loại dụng cụ này đều là loại túi dai, nhựa cứng khó phân hủy.

Theo Hoa hậu Thanh Hà công nghệ tạo ra sự tiện lợi nhưng nếu lạm dụng, cụ thể ở đây là đặt đồ ăn, thức uống qua các ứng dụng sẽ tạo ra nhiều tác động xấu đến môi trường, chi phí xử lý tốn kém.

Tài xế công nghệ chờ giao đồ ăn ở trung tâm TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Tuy nhiên, thói quen của cô thay đổi khi Covid-19 bùng phát. Cô ở nhà, tự nấu ăn với gia đình và nhận ra điều này không chỉ giảm bớt rác thải nhựa mà còn gắn kết gia đình. Từ câu chuyện của mình, Thanh Hà kêu gọi người trẻ hãy là những người tiên phong thay đổi thói quen đặt đồ ăn để giảm bớt rác thải nhựa ra môi trường.

Cùng tham dự chương trình, Hoa hậu H'Hen Niê nói rằng bản thân rất quan tâm đến mục tiêu Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Bản thân cô cũng tham gia trồng hơn 8 ha rừng tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia trên toàn quốc. H'Hen Niê làm việc này mong muốn truyền cảm hứng đến giới trẻ thực hiện mục tiêu chung phát thải ròng bằng 0.

Theo H'Hen Niê, trong khi các doanh nghiệp đang hướng đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn thì người dân tập sống xanh, tiêu dùng xanh, phát triển bền vững thì mới tạo được sự cộng hưởng bảo vệ môi trường.

Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017 nói rằng để đạt được mục tiêu Net Zero, đó là trách nhiệm của toàn dân, đặc biệt là giới trẻ. Do đó hãy cùng nhau truyền cảm hứng, chia sẻ và hành động.

Người dân đổi vỏ hộp sữa để lấy quà tại Ngày hội Việt Nam xanh, sáng 9/11. Nhãn hàng thu gom vỏ hộp sẽ tái chế thành tập, sổ, chậu cây... Ảnh: Lê Tuyết

Tại Việt Nam, túi nylon chiếm phần lớn trong rác thải nhựa thải ra môi trường. Nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy bình quân Việt Nam mỗi năm thải ra đại dương 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, phần lớn là có túi nylon.

Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Nếu tính theo đầu người, trung bình mỗi người dân dùng 3,5 túi nylon.

Tương tự, báo cáo Giảm thiểu nhựa dùng một lần ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cho thấy bao bì nhựa dùng một lần đựng thực phẩm mang đi là tác nhân lớn nhất gây ra rác thải nhựa. Rác nhựa chiếm đại đa số lượng chất thải ở sông suối và bờ biển Việt Nam trong đó nguồn lớn nhất trong đó là rác nhựa từ bao bì thực phẩm dùng một lần (chiếm 44% theo số lượng và 35% trọng lượng).

Lê Tuyết