|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất quí 4/2016 sẽ ít biến động

11:12 | 11/10/2016
Chia sẻ
Với diễn biến trên thị trường tiền tệ như trong quí 3 vừa qua, dự báo lãi suất trong quí 4 sẽ không chịu nhiều sức ép tăng như quy luật hàng năm!

Thanh khoản dư thừa do đâu?

Câu chuyện thanh khoản ngân hàng dồi dào đã diễn ra trong phần lớn thời gian của quí 3-2016. Biểu hiện rõ nhất của hiện tượng này là lãi suất liên ngân hàng xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Trong ba năm qua (quãng thời gian được coi là tạm ổn định đối với thanh khoản hệ thống), chưa bao giờ lãi suất qua đêm rơi xuống mức thấp nhất như trong phiên giao dịch ngày 21-9 vừa qua (chỉ là 0,2%/năm). Nếu tính từ đầu tháng 7 cho tới nay thì lãi suất liên ngân hàng trung bình kỳ hạn qua đêm chỉ xấp xỉ là 1%/năm, kỳ hạn một tuần là 1,15%/năm và kỳ hạn hai tuần là 1,37%/năm (các mức lãi suất này trong quí 2 lần lượt là 2,82%; 3% và 3,35%/năm). Hiện tượng này có phần trái với quy luật hàng năm khi quí 3 và 4, lãi suất liên ngân hàng nói riêng và mặt bằng lãi suất huy động - cho vay nhìn chung thường có xu hướng tăng lên.

Nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là sự chênh lệch giữa cung và cầu vốn.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20-9-2016, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 10,46%, thấp hơn một chút so với mức tăng của cùng kỳ năm 2015 (10,78%). Trong khi đó, ở phía cung vốn, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 đạt 11,76% trong khi tăng trưởng huy động đạt 12% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,9%). Hoạt động cho vay ra chỉ tăng ở mức trung bình trong khi tiền đồng liên tục được bơm vào hệ thống ngân hàng dưới tác động của việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào ngoại tệ đã khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng ở trạng thái dồi dào.

Sau khi các ngân hàng thương mại lớn nhất hệ thống đã công bố giảm lãi suất trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua thì dư địa còn lại để giảm mạnh tiếp trong ba tháng cuối năm là không nhiều.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là trái với mức thấp kỷ lục của lãi suất liên ngân hàng, mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (huy động và cho vay giữa các ngân hàng thương mại với tổ chức, cá nhân) không có nhiều biến chuyển. Biểu lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn gần như đứng yên trong suốt quí 3, ngoại trừ đợt điều chỉnh giảm 0,3-0,5% cho các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới một năm của bốn ngân hàng gốc quốc doanh vào thời điểm cuối tháng 9.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay cũng hầu như không đổi so với quí 2 (6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn).

Có thể lý giải sự “lệch pha” này ở hai khía cạnh. Một là lãi suất liên ngân hàng phản ánh tình trạng thanh khoản tạm thời và có kỳ hạn rất ngắn nên các ngân hàng không thể dựa vào nguồn vốn đi vay với lãi suất thấp tại đây để tài trợ cho hoạt động cho vay với kỳ hạn dài. Làm vậy sẽ gây ra rủi ro kỳ hạn rất lớn. Hai là mặc dù thanh khoản dồi dào nhưng các ngân hàng đều đang đứng trước áp lực phải chuẩn bị nguồn vốn để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của Thông tư 06 về giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% hiện nay xuống mức 50% vào năm 2017 và 40% vào năm 2018. Do vậy, các ngân hàng gặp khó trong việc giảm lãi suất huy động, đặc biệt là tại các kỳ hạn dài (trên một năm). Lãi suất cho vay vì thế cũng không thể giảm theo, đấy là còn chưa tính đến gánh nặng của nợ xấu.

Ngoài ra, khác với mọi năm, một nguyên nhân quan trọng khiến thanh khoản hệ thống năm nay có phần dồi dào hơn là do việc bơm tiền đồng mua ngoại tệ của NHNN. Ước tính NHNN đã mua vào khoảng 10 tỉ đô la Mỹ kể từ đầu năm đến nay, đồng nghĩa với việc đã có khoảng 223.000 tỉ đồng được đẩy ra thị trường. Mặc dù NHNN đã có động thái phát hành tín phiếu (kỳ hạn 14 ngày) dồn dập với giá trị lớn kể từ tháng 7 cho đến nay với lãi suất ngày càng giảm nhằm hút bớt lượng tiền dư thừa về nhưng động thái này luôn có độ trễ nhất định. Tiền trong ngân hàng vì thế đang có phần dư dả nhưng hiện tượng này chỉ mang tính chất tạm thời nên không ngân hàng nào dám mạnh tay hạ lãi suất huy động và cho vay.

Lãi suất trong quí 4 sẽ ít biến động

Với những diễn biến như đã phân tích ở trên, dự báo lãi suất trong quí 4 sẽ không chịu nhiều sức ép tăng như quy luật hàng năm. Có một số cơ sở cho nhận định trên.

Thứ nhất, thanh khoản hệ thống nhiều khả năng sẽ vẫn ở trạng thái ổn định và tích cực tuy mức độ dư thừa có thể sẽ không nhiều như thời gian vừa qua.

Thứ hai, Kho bạc Nhà nước đã chính thức hoàn thành kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) cho cả năm nay (250.000 tỉ đồng), do vậy sức ép huy động vốn từ chính sách tài khóa sẽ không còn, lãi suất vì thế cũng bớt đi một sức ép tăng.

Thứ ba, lạm phát tính đến thời điểm hiện tại vẫn ở mức khá thấp (tăng chưa đến 2%) và dự kiến sẽ không có nhiều đột biến trong ba tháng tới khi các yếu tố tác động bất thường như giá dịch vụ y tế và giáo dục về cơ bản đã hoàn thành hạn mức tăng trong năm nay. Kỳ vọng lạm phát thấp sẽ là yếu tố thuận lợi cho diễn biến của lãi suất.

Thứ tư, về yếu tố khách quan, Fed vẫn chủ trương giữ nguyên lãi suất đồng đô la Mỹ trong cuộc họp chính sách tháng 9 vừa qua và lộ trình tăng loại lãi suất này vẫn chưa thật sự rõ ràng trong thời gian tới. Chừng nào FED chưa tăng lãi suất, NHNN vẫn có nhiều dư địa để duy trì mặt bằng lãi suất hiện tại mà không phải lo ngại đến vấn đề tỷ giá.

Sau khi các ngân hàng thương mại lớn nhất hệ thống đã giảm lãi suất trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua thì dư địa còn lại để giảm mạnh tiếp trong ba tháng cuối năm là không nhiều. Lý do quan trọng nhất vẫn là chênh lệch cung cầu vốn sẽ thu hẹp dần khi hoạt động cho vay được đẩy mạnh và các ngân hàng vẫn đang phải tích cực chuẩn bị nguồn vốn nhằm đáp ứng các yêu cầu của Thông tư 06. Cùng với đó, sự nóng lên của thị trường chứng khoán như trong hai tháng vừa qua đã và đang tạo nên sự cạnh tranh không nhỏ đối với việc thu hút vốn của hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng vì thế không thể mạo hiểm giảm mạnh lãi suất huy động, tránh hiện tượng tiền bị hút ngày càng nhiều sang kênh chứng khoán.