|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất ngân hàng dù hạ nhiệt vẫn hút người gửi tiền

20:15 | 06/02/2023
Chia sẻ
Cập nhật mới nhất biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 2/2023 của các ngân hàng thương mại cho thấy cuộc đua lãi suất đã không còn "nóng". Hiện chỉ còn 2 ngân hàng huy động lãi suất trên 9,5%/năm.

Hoạt động tại một phòng giao dịch ngân hàng NCB. Ảnh: NCB

Lãi suất huy động tại các ngân hàng đang dần hạ nhiệt xuống dưới mức 10%/năm. Dù vậy, trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, tiền số... diễn biến khó lường, thì gửi tiền tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh hút khách.

Lãi suất hạ nhiệt

Cập nhật mới nhất biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 2/2023 của các ngân hàng thương mại cho thấy cuộc đua lãi suất đã không còn "nóng". Hiện chỉ còn 2 ngân hàng huy động lãi suất trên 9,5%/năm.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang là 2 ngân hàng niêm yết lãi suất huy động cao nhất hệ thống với lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12 tháng là 9,95 và 9,7%/năm; trong khi lãi suất tiền gửi tại quầy cho cùng kỳ hạn tại 2 ngân hàng này lần lượt là 9,15 và 9,2%/năm.

Còn tại một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank), Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank)..., mới cách đây chỉ 1 tuần, lãi suất huy động còn cận kề mức 10-10,5%/năm, thì nay lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này đều đã giảm xuống còn từ 9,5-9,8%/năm.

Thậm chí tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), lãi suất cao nhất tại quầy còn giảm đến 1%/năm, từ mức 9,2%/năm xuống 8,2%/năm.

Lãi suất cao nhất tại một số ngân hàng tháng 2/2023. Tổng hợp: BNEWS/TTXVN (Mức lãi suất có thể thay đổi theo ngày)

Tương tự, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng niêm yết lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm từ 0,05-0,5%/năm so với đầu tháng 1/2023 cho một số kỳ hạn. Theo đó, Techcombank huy động tiền gửi kỳ hạn 6 và 9 tháng với lãi suất 8,8%/năm, giảm 0,5%/năm; kỳ hạn 12 và 24 tháng, lãi suất 8,7%/năm, giảm 0,3%/năm so với tháng trước. Còn tại Sacombank, lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 4 tháng giảm từ 0,05-0,3%/năm xuống còn 5,7-5,95%/năm.

Đây được đánh giá là động thái tích cực của các ngân hàng sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về việc áp dụng mức tối đa 9,5%/năm cho lãi suất huy động các kỳ hạn, bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất.

Tại 4 ngân hàng lớn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy vẫn duy trì ổn định với mức 6-6,1%/năm cho kỳ hạn từ 6-11 tháng và 7,4%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Vẫn hút khách

So với giai đoạn cao điểm, lãi suất huy động hiện nay đã giảm từ 1,5 đến 3%/năm tùy từng kỳ hạn. Dù vậy, nhiều người vẫn quyết định gửi tiết kiệm ngân hàng thay vì đầu tư các kênh khác.

Chia sẻ với phóng viên, bà Bùi An (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Sau Tết Nguyên đán theo tôi là thời điểm thích hợp để gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng bởi nhiều ngân hàng tung ra các chương trình khuyến mại, tặng quà, cộng lãi suất rất hấp dẫn. Dù lãi suất hiện nay đã không còn như trước nhưng vẫn là mức cao so với hồi dịch COVID-19 nên tôi vẫn gửi tiền thay vì chờ đợi lãi suất tăng lên tiếp hay đầu tư vào chứng khoán".

Cùng quan điểm, sau một năm đầu tư thua lỗ, ông Anh Tuấn (quận Ba Đình, Hà Nội) quyết định dành 50% khoản đầu tư còn lại để gửi vào ngân hàng. Bởi ông cho rằng lãi suất ngân hàng hiện ở mức khá hấp dẫn và ổn định, trong khi đó thị trường bất động sản dường như vẫn còn "ngủ đông", đầu tư chứng khoán thì "khó nói"...

Khách hàng giao dịch tại SeABank

Số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 11/2022 đạt hơn 13,8 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với tháng trước. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng thêm gần 84.600 tỷ đồng so với tháng 10/2022 lên hơn 5,74 triệu tỷ đồng; tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 42.341 tỷ đồng lên 5,8 triệu tỷ đồng.

Điều này không khó lý giải khi tháng 11/2022 là thời điểm lãi suất các ngân hàng "đua" tăng mạnh, phổ biến ở mức từ 9-10%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Dự báo cho năm 2023, các chuyên gia phân tích tại một số công ty chứng khoán cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng giảm dần, nhất là từ nửa cuối năm.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, mặt bằng lãi suất có thể sẽ không tăng mạnh trong năm 2023. SSI cho rằng chỉ khi các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc, lãi suất tiền đồng trong nước mới có thể hạ nhiệt, có thể là trong nửa cuối năm 2023.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) lại nhận định trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lê Phương