|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất khó giảm mạnh

07:40 | 15/12/2016
Chia sẻ
Trong những ngày đầu tháng 12, lãi suất huy động ở một số nhà băng nhỏ có chiều hướng giảm nhẹ, song theo nhận định của các nhà phân tích tài chính, lãi suất khó có thể giảm sâu. Ngược lại, sức ép lãi suất dự báo sẽ còn tăng trong nửa đầu năm sau.

Biểu lãi suất công bố mới nhất của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ 0,3%/năm xuống 0,2%/năm; kỳ hạn 36 tháng từ 7% xuống 6,8%/năm.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng giảm lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán từ 0,5%/năm xuống 0,3%/năm. Giảm nhiều nhất phải kể đến là Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank), sau một thời gian dài liên tục tăng lãi suất, VietCapital Bank hiện áp mức lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng là 5,3%/năm, 3-5 tháng là 5,4%/năm, 13 tháng là 7,5%/năm, 18 tháng là 7,9%/năm.

Sở dĩ VietCapital Bank điều chỉnh giảm lãi suất là do trước đó nhà băng này đã tăng mạnh, nhất là ở kỳ hạn dài ngày lên đến 8,3%/năm cho 15 tháng tiền gửi. Trong khi đó, tín dụng của nhà băng này tuy cải thiện, nhưng room không còn nhiều và vừa mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho tăng lên mức 30%. Mặt khác, trong bối cảnh lãi suất đầu vào tăng cao thời gian qua, song lãi suất đầu ra khó theo kịp nên buộc VietCapital Bank giảm lãi suất.

Trước đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động với các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, kỳ hạn 2 tháng và 3 tháng cùng giảm 0,1% xuống tương ứng 4,9% và 5,2%. Nhưng ngược lại, Sacombank lại tăng lãi suất đầu vào ở các kỳ hạn dài ngày từ 15 - 36 tháng lên 7%/năm.

TS. Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, lãi suất huy động của một số ngân hàng giảm, nhưng khó có khả năng trở thành xu hướng chung cho hệ thống ngân hàng đến cuối năm, do mặt bằng lãi suất thị trường đang chịu nhiều áp lực như: tỷ giá có chiều hướng nhích trong thời gian gần đây, khi đồng USD tăng mạnh trước áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bên cạnh đó, lạm phát có chiều hướng đi lên, với ước tính cả năm vượt mục tiêu 5%.

Tín dụng toàn ngành ngân hàng 11 tháng của năm nay tăng trưởng 15,8% và dự báo sẽ đạt mục tiêu 18-20% vào cuối năm, nhiều nhà băng đã cạn “room”. Trong khi đó, nguồn vốn huy động toàn ngành đến thời điểm trên chỉ tăng trưởng huy động là 15,2%. Vì vậy, cầu huy động vốn, đảm bảo thanh khoản tốt để đẩy mạnh cho vay cuối năm đang là mục tiêu của các ngân hàng. Điều này cũng lý giải cho việc vì sao thanh khoản dần bớt dư thừa trên liên ngân hàng và lãi suất thị trường hai đã tăng trở lại, cao nhất trong 2 tháng qua.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong 2 tuần trở lại đây, lãi suất liên ngân hàng đang có xu hướng tăng trở lại với biên độ khá lớn, lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây ở cả ba loại kỳ hạn. Hiện lãi suất các kỳ hạn qua đêm, một tuần, hai tuần phổ biến từ 3 - 3,5%/năm, thay cho mức dưới 1% của một tháng trước đây. BVSC dự báo, lãi suất liên ngân hàng trong các tuần tới có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao, dao động từ 3 - 4%/năm.

Cũng theo nhận định của BVSC, việc tín dụng tăng tốc mạnh trong tháng qua là diễn biến không bất ngờ, do nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế thường tăng cao vào dịp cuối năm. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, tín dụng quý IV đang tích cực và tăng trưởng tốt nhất so với các tháng trong năm. Đây là cơ hội để ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay, do đó việc chuẩn bị nguồn và đảm bảo thanh khoản tốt là điều được các nhà băng quan tâm.

Thùy Vinh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.