Là cổ phiếu tăng mạnh nhất tháng 11 trên HOSE, KPF có gì đặc biệt?
CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Minh - KPF (ảnh minh họa) |
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/11, cổ phiếu KPF của CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh đạt 8.500 đồng/cp, tăng hơn 68% trong tháng. Đặc biệt 7 phiên giao dịch cuối cùng trong tháng cổ phiếu này liên tục tăng trần.
Diễn biến giá cổ phiếu KPF trong tháng 11 (nguồn: VNDirect) |
Cũng trong tháng này, nhiều sự kiện đặc biệt diễn ra tại công ty. Mới đây nhất, chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) KPF là ông Dương Minh Đức đã bán toàn bộ hơn 1,4 triệu cổ phần của mình tại công ty. Cùng với đó, ông Đoàn Minh Tuấn - Thành viên HĐQT đăng ký bán toàn bộ gần 1,6 triệu cổ phiếu KPF. Bà Nguyễn Thanh Hoa - vợ ông Tuấn, trước đó cũng đã bán hết toàn bộ hơn 1,2 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 28/9 - 27/10.
Với hơn 17 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số cổ phần mà ông Đức và ông Tuấn bán ra tương ứng khoảng 17,5% vốn cổ phần tại KPF.
Cũng trong ngày gần đây, KPF có chủ trương thoái toàn bộ vốn tại CTCP Đầu tư Tam Hà với tổng số lượng cổ phần hơn 3,9 triệu cổ phiếu, tương ứng với 49% vốn điều lệ. Thời gian thực hiện chuyển nhượng tính từ ngày ký kết hợp đồng cho đến trước ngày 30/1/2018.
Trước đó, KPF cũng đã chuyển nhượng toàn bộ vốn tại CTCP Phú Gia Hà Nam với hơn 3,9 triệu cổ phần, tương ứng 49% vốn tại Phú Gia Hà Nam cho CTCP Tập đoàn Bắc Đô. Thời gian thực hiện trước ngày 31/12/2017.
Như vậy sau khi chuyển nhượng xong, KPF sẽ chỉ còn phần vốn 44 tỷ đồng tại CTCP đầu tư nông nghiệp Hà Nam. Ngoài ra còn khoản 23 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Phú Gia. Các khoản đầu tư vào các công ty này chiếm tới 73% tổng nguồn vốn của KPF.
Nguồn: Báo cáo tài chính quý III/2017 |
Được biết, KPF có các dự án mỏ khai thác cát Tam Hà và mỏ khai thác cát Phú Gia tại bãi bồi Sông Hồng với quy mô 8,5 ha thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây là hai dự ản mỏ cát độc quyền khai thác do KPF liên kết với 2 công ty thoái vốn trên. Sản lượng thực tế tại mỗi mỏ này là 20 triệu m3 và 15 triệu m3.
Từ năm 2012, công ty đã đầu tư vào các dự án cung ứng vật liệu xây dựng và hạ tầng, đầu tư nông nghiệp, đầu tư vào vùng nguyên liệu cát tại tỉnh Hà Nam. Trong đó có 2 dự án mỏ Tam Hà, Phú Gia và dự án Bến kinh doanh vật liệu xây dựng.
Vào năm 2015, KPF đã tăng vốn điều lệ lên 156 tỷ đồng do tác động tích cực từ ba dự án trọng điểm trên. Sau đó một năm, công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 171,6 tỷ đông thông qua hình thức phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức năm 2015.
Quý III/2017, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 83,6 triệu đồng, giảm tới 93% so với quý III/2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt gần 278 triệu đồng, giảm khoảng 95%.
Theo giải trình của công ty thì việc sụt giảm này do không thực hiện các hợp đồng san lấp như năm trước. Thị trường bất động sản và xây dựng khó khăn khiến hoạt động thương mại về vật liệu xây dựng sụt giảm.
Kết quả hoạt động kinh doanh giai đoạn 2013 - 2016 |
Giai đoạn trước đó từ năm 2013 - 2016 ghi nhận doanh thu tăng mạnh sau mỗi năm, tuy nhiên đi kèm với đó giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp cũng như lợi nhuận sau thuế không đồng đều mỗi năm khi tăng đột biến từ năm 2013 - 2015 nhưng lại giảm dần từ sau thời gian đó.