|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kỳ vọng quản lý ODA hiệu quả hơn

19:52 | 04/11/2016
Chia sẻ
Ngày 30/6 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 111/2016/TT-BTC quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-11-2016, Thông tư 111 được kỳ vọng sẽ giúp quản lý hiệu quả hơn nguồn vốn ODA.

Thông tư 111 dựa trên và có sự sửa đổi so với Thông tư 218/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành từ năm 2013. Điểm sửa đổi đầu tiên và căn bản nhất của Thông tư 111 chính là nguyên tắc quản lý tài chính đối với các chương trình sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi (quy định tại điều 4, chương I) phải được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn năm năm, kế hoạch vốn hàng năm và được quản lý theo các quy định hiện hành đối với ngân sách nhà nước và vốn đầu tư công. Điều này trong Thông tư 128 trước đây chưa được đề cập. Lý do chính là do Luật Đầu tư công mới được ban hành từ giữa năm 2014 và có hiệu lực kể từ đầu năm 2015 trong khi Thông tư 128 ra đời từ năm 2013.

ky vong quan ly oda hieu qua hon
Đường hầm xuyên núi Hải Vân giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế - công trình xây dựng bằng vốn ODA Nhật Bản. Ảnh Wikipedia.

Vốn ODA là một trong những cấu thành nên nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, vì thế việc sử dụng nguồn vốn này cũng cần tuân thủ theo những quy định của Luật Đầu tư công. Cơ chế đưa nguồn vốn ODA vào trong tổng thể chung là kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ góp phần giúp đảm bảo cân đối nguồn vốn trong phạm vi cả nước, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm để có quyết định chủ trương đầu tư hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng không cân đối được nguồn vốn, bị động, đầu tư cắt khúc ra từng năm.

Ngoài ra, Thông tư 111 cũng nêu rõ: kế hoạch vốn hàng năm của các chương trình sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được lập theo từng nhà tài trợ, theo cơ chế tài chính được duyệt (cấp phát vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên; cho vay lại, hỗ trợ ngân sách), chi tiết theo nguồn vốn ngoài nước (viện trợ không hoàn lại, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi), vốn đối ứng (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn chủ dự án, đóng góp của người hưởng lợi và nguồn vốn khác).

Về kiểm soát chi, điều 10 chương IV của Thông tư 111 có sự bổ sung so với Thông tư 128 là ngoài việc nêu rõ kiểm soát chi áp dụng đối với mọi hoạt động chi tiêu của dự án thì còn áp dụng với các khoản chi theo phương thức thư tín dụng hoặc ủy quyền cho bên nước ngoài chi trực tiếp. Hình thức kiểm soát chi trước cũng được quy định rõ hơn thành từng khoản như: thanh toán trực tiếp cho nhà thầu, nhà cung cấp; chi từ tài khoản cấp 2 đối với dự án có hai cấp tài khoản tạm ứng; khoản thanh toán một lần duy nhất cho thư tín dụng hoặc theo hình thức ủy quyền cho nước ngoài chi trực tiếp... Ngoài ra, hồ sơ kiểm soát chi cũng được đề cập chi tiết trong thông tư mới bao gồm các thỏa thuận về ODA, hợp đồng giữa chủ dự án và nhà thầu kèm bản dịch (nếu lập bằng tiếng nước ngoài), các hồ sơ, chứng từ liên quan...

Về chế độ kế toán, kiểm toán, quyết toán, báo cáo, kiểm tra, chương VI của Thông tư 111 cũng có những quy định rõ ràng hơn so với Thông tư 128. Cụ thể, trong vòng sáu tháng kể từ ngày kết thúc dự án, các dự án sử dụng vốn có tính chất thường xuyên phải lập báo cáo quyết toán chi tiết theo từng nguồn vốn ODA; trong vòng 15 ngày kể từ khi kết thúc quí, chủ dự án phải lập báo cáo tình hình giải ngân và hạch toán, ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước gửi cơ quan chủ quản, đồng gửi cơ quan tài chính đồng cấp về tình hình giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi; định kỳ sáu tháng và cả năm, trong vòng 30 ngày kể từ khi kết thúc kỳ báo cáo, cơ quan chủ quản có trách nhiệm lập báo cáo tình hình giải ngân và hạch toán cung cấp cho Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để phục vụ đối chiếu số liệu... Quy định rõ thời hạn như trên sẽ giúp tăng tính trách nhiệm giải trình của các bên liên quan.

Cuối cùng, các quy định đặc thù đối với dự án ODA đã được Thông tư 111 tập hợp vào chương VII: “Các quy định khác” thay vì đề cập xen lẫn tại các điều khoản khác nhau như trong Thông tư 128. Những quy định này bao gồm: lựa chọn ngân hàng phục vụ; mở tài khoản thanh toán; quy định về thuế, phí và quản lý tài sản... Việc mở tài khoản tại ngân hàng phục vụ được nêu rõ: “Trường hợp điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết quy định giải ngân trực tiếp đến chương trình, dự án hoặc đối với dự án, hợp phần dự án vay lại toàn bộ, chủ dự án hoặc Bộ Tài chính mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng phục vụ phù hợp với yêu cầu thanh toán của dự án”. Ngân hàng phục vụ có trách nhiệm: mở tài khoản cho chủ dự án, thực hiện các giao dịch thanh toán, rút vốn; định kỳ hàng tháng gửi báo cáo sao kê; thông báo cho chủ tài khoản số lãi phát sinh trên tài khoản tạm ứng...

Linh Trang

WB: Việt Nam sẽ nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2025
Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia, với mức tăng GDP 6,6% trong năm 2025 dù thấp hơn mục tiêu đặt ra (ít nhất 8%), song Việt Nam vẫn nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở Đông Á cũng như toàn cầu.