Kinh tế Trung Quốc liên tiếp phát đi những tín hiệu kém lạc quan
Xếp dỡ hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, ngày 16/5/2018. Ảnh: THX/TTXVN
Cụ thể, theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 2/2019 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2018 và tương đương mức tăng của tháng trước đó, ghi dấu mức tăng yếu nhất kể từ tháng 9/2016.
Đây là chỉ dấu mới nhất cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tại Trung Quốc đang tăng chậm lại, sau khi báo cáo trước đó chỉ ra rằng lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của nước này đang có xu hướng giảm suts do cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng, các dấu hiệu giảm phát có thể khiến Chính phủ Trung Quốc đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự suy giảm này, sau khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chạm mức thấp nhất trong gần 30 năm qua trong năm 2018.
Xét theo tháng, chỉ số PPI của Trung Quốc liên tục giảm trong bốn tháng qua. Điều này sẽ khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bị “ăn mòn” do doanh thu giảm, qua đó tạo sức ép lên hoạt động đầu tư, tiêu dùng và việc làm.
Báo cáo hồi cuối tuần trước của Chính phủ Trung Quốc cho biết, xuất khẩu của nước này trong tháng 2/2019 cũng đã giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà phân tích và là mức giảm mạnh nhất trong ba năm.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng Hai, làm dấy lên quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.
Chính phủ Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6%-6,5% trong năm 2019, thấp hơn so với mức 6,6% đạt được năm 2018.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 2/2019 tăng 1,5% so với một năm trước đó, mức chậm nhất kể từ tháng 1/2018 và chậm hơn mức tăng 1,7% của tháng Một và dưới mức mục tiêu mà chính phủ đề ra cho cả năm nay là khoảng 3%.