|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Trung Quốc hồi phục là tin tốt cho Đông Nam Á

17:51 | 17/07/2020
Chia sẻ
Nhà kinh tế Wellian Wiranto tại ngân hàng OCBC dự đoán các nước Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của khu vực.
Kinh tế Trung Quốc hồi phục là tin tốt cho Đông Nam Á - Ảnh 1.

Người Trung Quốc đeo khẩu trang đi bộ trên Khu thương mại trung tâm ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Hôm 16/7, Trung Quốc báo cáo GDP quí II của nước này tăng 3,2% so với cùng kì năm trước. Trước đó, các nhà phân tích dự kiến GDP Trung Quốc sẽ chỉ tăng khoảng 2,5% trong quí II. Trong quí I, kinh tế Trung Quốc sụt giảm 6,8% dưới tác động của biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. 

Nhà kinh tế Wiranto nhận định: "Dù vẫn còn rất nhiều thách thức, tăng trưởng GDP quí II một lần nữa lại nhen nhóm lên niềm hi vọng rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể thúc đẩy các nước khác".

"Việc Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều nhất hàng hóa và dịch vụ của ASEAN… càng trở nên quan trọng trong tình hình hiện nay", ông Wiranto nói.

Sự phụ thuộc vào Trung Quốc từng là "gánh nặng đau đớn" trong quí I nhưng giờ lại biến thành "tài sản quan trọng" khi kinh tế Trung Quốc hồi phục trong quí II, ông nói thêm.

Theo ông Wiranto, khoảng 18,8% hàng hóa xuất khẩu của các nước Đông Nam Á được bán sang Trung Quốc. Sự phục hồi của Trung Quốc có thể sẽ không là "cứu cánh" cho các nước Đông Nam Á, nhưng có thể tạo ra động lực nhỏ trong bối cảnh các thị trường khác – ví dụ như Mỹ - vẫn đang phải vất vả kiểm soát COVID-19.

Dấu hiệu phục hồi

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng có thể đang bước vào giai đoạn phục hồi, ông Steve Cochrane, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics cho biết.

Ông Cochrane nói với CNBC: "Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đã rơi xuống đáy từ tháng 5" và lưu ý rằng tình hình tại Trung Quốc, Australia và New Zealand đang được cải thiện. Nguyên nhân là vì hoạt động kinh tế đang được khởi động lại sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, giúp xóa bỏ các hạn chế về phía cung. Tuy nhiên, biện pháp giãn cách xã hội và các rủi ro khác vẫn là vật cản.

"Thương mại toàn cầu sẽ không trở thành cú hích mạnh mẽ cho khu vực, mà chỉ là cú hích khiêm tốn", ông Cochrane nói.

Ông cho rằng các nền kinh tế xuất khẩu thiết bị công nghệ cao sang Trung Quốc, đặc biệt là Đài Loan và Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi.

Hôm 15/7, ngân hàng ANZ cho biết nhu cầu của Trung Quốc dành cho sản phẩm Hàn Quốc đã được cải thiện, nhưng các thị trường lớn khác "vẫn đang phải chật vật".

"Một số mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc như máy tính, thuốc men và dược phẩm sinh học đã được hưởng lợi từ đại dịch. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng như chế phẩm dầu mỏ và xe cộ lại lao dốc, hậu quả của các lệnh phong tỏa toàn cầu. Nhìn chung, thiệt hại còn lớn hơn lợi ích", các nhà phân tích của ANZ viết.

Tuy nhiên, "các dấu hiệu sớm" về sự phục hồi đang dần nổi lên và sự suy giảm của hoạt động xuất khẩu đang dần chậm lại kể từ khi các biện pháp nhằm hạn chế COVID-19 lây lan dần được dỡ bỏ, ANZ cho biết. Xuất khẩu của Hàn Quốc tới Mỹ và Việt Nam đang tăng trưởng trở lại, còn ngành ô tô đang hồi phục.

"Các chỉ số khác, ví dụ như PMI Hàn Quốc, các đơn hàng xuất khẩu mới và các chỉ số thương mại toàn cầu cũng báo hiệu rằng chúng ta đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất", các nhà phân tích ANZ viết.

Giang