|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kinh tế suy giảm 6,8%, Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lãi suất

20:40 | 20/04/2020
Chia sẻ
Với động thái cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản, Trung Quốc kì vọng sẽ hạ chi phí vay của doanh nghiệp và kích thích nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19.
Kinh tế suy giảm 6,8%, Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lãi suất - Ảnh 1.

Các nhà phân tích cho rằng đối với với áp lực suy thoái toàn cầu gia tăng, Trung Quốc sẽ mất vài tháng để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo bình thường như trước dịch bệnh. Ảnh: AFP

Trung Quốc hôm nay 20/4 hạ 20 điểm cơ bản lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm xuống 3,85%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm được điều chỉnh giảm 10 điểm phần trăm xuống 4,65%.

Đây là lần thứ 2 trong năm Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản. Tại Trung Quốc, hầu hết các khoản vay mới và dư nợ đều dựa trên LPR. Đối với kỳ hạn 5 năm, lãi suất cho vay cơ bản ảnh hưởng nhiều đến việc định giá các khoản thế chấp.

Trước đó, hầu hết trong số 52 chuyên gia tham gia trong cuộc khảo sát gần đây của Reuters dự báo lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm được điều chỉnh hàng tháng của Trung Quốc sẽ giảm 20 điểm phần trăm, còn lãi suất cho vay cơ bản 5 năm sẽ giảm khiêm tốn 5-10 điểm phần trăm trong bối cảnh Bắc Kinh muốn giữ ổn định giá bất động sản.

“Việc cắt giảm lãi suất không cân xứng cho thấy chính quyền Bắc Kinh vẫn kiểm soát chặt chính sách nhà ở. Động thái này không phải là biện pháp kích thích nhu cầu trong nước dù trong bối cảnh khó khăn như hiện nay”, Xing Zhaopeng, chuyên gia phân tích thị trường tại tập đoàn ANZ tại Thượng Hải bình luận.

Nền kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 suy giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái do áp dụng các biện pháp chống dịch Covid-19 và mạnh tay đóng cửa các nhà máy và cửa hàng, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh mất việc, theo số liệu được công bố cuối tuần trước. 

Quý I/2020 là lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận nền kinh tế suy giảm kể từ khi số liệu kinh tế hàng quý được lần đầu công bố vào năm 1992.

Trung Quốc đang gồng mình kích hoạt lại các guồng máy kinh tế, nhưng lại đối mặt với áp lực từ suy thoái toàn cầu ngày càng tăng. Do vậy, các nhà phân tích cho rằng sẽ mất vài tháng để đưa kinh tế Trung Quốc trở lại quỹ đạo bình thường như trước dịch bệnh.

Jacqueline Rong, chuyên gia cao cấp tại chi nhánh Bắc Kinh của công ty dịch vụ tài chính Pháp BNP Paribas, đánh giá việc cắt giảm biên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm có thể hiểu là động thái phản chu kỳ trong lĩnh vực nhà ở.

“Không nghi ngờ gì nữa, bất động sản là động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nhiều hơn xuất khẩu. 

Trên thực tế, nền kinh tế này đang đối mặt với áp lực suy thoái rất lớn; ngay cả khi không xảy ra dịch Covid-19, chúng tôi vẫn cho rằng năm nay (Trung Quốc) sẽ có một số động thái ngược chu kỳ trong lĩnh vực nhà ở”.

Động thái cắt giảm lãi suất LPR là điều đã được dự đoán sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hạ lãi suất cho vay trung hạn (MLF) đối với các tổ chức tài chính xuống mức thấp nhất trong tuần trước. Theo đó, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm được ấn định mức 2,95%.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng cường nới lỏng chính sách tiền tệ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi giữa tháng 1, trong khi chính phủ nước này công bố một loạt các biện pháp hỗ trợ khác, từ cho vay chi phí thấp đến cắt giảm thuế và phát hành trái phiếu đặc biệt để phát triển các dự án hạ tầng.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, phản ứng chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trước dịch Covid-19 là chưa mạnh mẽ so với nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới khi vẫn còn nhiều hạn chế thay vì gói kích thích kinh tế khổng lồ như ở các nước. 

Họ cho rằng có thể đây chưa phải thời điểm kích thích kinh tế một cách mạnh mẽ, do các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lo ngại nợ tăng cao và rủi ro đến với hệ thống tài chính trong nước.

“Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cần dựa nhiều hơn vào cắt giảm lãi suất đối với hợp đồng mua lại đảo ngược (RRR) hơn là cắt giảm lãi suất thông thường. Cơ quan này có thể sẽ áp dụng biện pháp cắt giảm RRR nhiều hơn đến tháng 9 để ngăn lãi suất chạm mức cực thấp”, Iris Pang, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng ING nhận định.

Lãi suất cho vay cơ bản (LPR) được thiết lập hàng tháng dựa trên đánh giá của 18 ngân hàng tại Trung Quốc. Tháng 8/2019, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cải tổ cơ chế thiết lập LPR và nới lỏng nó theo lãi suất cho vay trung hạn.

Lê Quân