|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế phụ thuộc FDI - những hệ lụy

08:09 | 15/07/2018
Chia sẻ
Bài này phân tích số liệu thống kê để xem xét tình trạng dựa vào đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) của nền kinh tế Việt Nam.
kinh te phu thuoc fdi nhung he luy Bất thường chuyện DN FDI lỗ 10-20 năm vẫn mở rộng đầu tư
kinh te phu thuoc fdi nhung he luy Giải pháp thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới: không còn là nhân công giá rẻ và ưu đãi lớn
kinh te phu thuoc fdi nhung he luy
Đầu tư nước ngoài hầu hết là sử dụng lao động giá rẻ và không có chuyển giao công nghệ. Trong ảnh: Một gian hàng tại triển lãm về công nghiệp hỗ trợ ở TPHCM. Ảnh: VĂN NAM

Việt Nam có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP cao nhất thế giới

Tỷ lệ này tăng từ 66% năm 1995 lên 203% năm 2017, trong khi tỷ lệ trung bình trên thế giới là 28%, Trung Quốc là 19,6%, và rất cao như Singapore cũng chỉ có 172%(1).

Với tình hình trên kinh tế Việt Nam có thể dễ dàng bị khủng hoảng nếu như hàng xuất khẩu hoặc vật tư cần để làm hàng xuất khẩu bị ngăn cản bởi nước khác vì tranh chấp; hoặc đầu tư nước ngoài rút ra tìm địa điểm khác vì giá rẻ hơn hay trở lại chính quốc vì cuộc cách mạng sử dụng robot thông minh thay thế lao động cơ bắp hiện nay. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 56% việc làm ở năm nước Đông Nam Á có thể bị thay thế và trên 90% lao động trong ngành may mặc và giày dép như ở Việt Nam và Campuchia bị đe dọa.

Kinh tế ngày càng dựa vào khu vực FDI

Cán cân ngoại thương của Việt Nam có thặng dư chút ít từ năm 2012 đến nay cũng nhờ đầu tư nước ngoài (xem biểu đồ). Đó là vì khu vực FDI xuất siêu trong khi khu vực kinh tế nội địa tiếp tục nhập siêu. Xuất khẩu của khu vực FDI năm 2017 đã chiếm 71% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước và chiếm 60% tổng giá trị nhập khẩu. Công ty trong nước chỉ chiếm dưới 28% tổng giá trị xuất khẩu, và chủ yếu là nhập siêu, lên đến 23 tỉ đô la Mỹ năm 2017. Trong khi đó, khu vực FDI xuất siêu gần 26 tỉ đô la. Như thế có thể nói doanh nghiệp trong nước không có sức sản xuất để thâm nhập thị trường thế giới, mà chủ yếu là bãi tiêu dùng hàng nước ngoài.

FDI tăng mạnh từ 2008 đến nay, đạt trên 10 tỉ đô la Mỹ một năm. Năm 2016 Việt Nam thu hút FDI đạt kỷ lục gần 16 tỉ, chiếm tới 23% đầu tư của cả nước, trong khi kinh tế quốc doanh chiếm 38% và kinh tế tư nhân trong nước chiếm 39%. Gần như chưa có nước nào trên thế giới có tỷ lệ đầu tư nước ngoài so với tổng đầu tư cao như Việt Nam.

Nếu so với GDP, FDI bằng 7,7%GDP, cao hơn gấp đôi tỷ lệ bình quân của thế giới là 3,1%, vượt Indonesia (0,5%), Thái Lan (0,8%), Trung Quốc (1,5%), Malaysia (4,6%), và chỉ thua Singapore (20,7%) hay Hồng Kông (41%) là nước và khu vực chủ yếu sống nhờ dịch vụ chuyển cảng và trung gian tài chính quốc tế(2).

Nếu phân tích sâu hơn sẽ thấy các doanh nghiệp nước ngoài đã tận dụng nguồn lao động giá rẻ của Việt Nam ra sao. Hiện tại, tỷ lệ giá trị nhập khẩu trên giá trị xuất khẩu của khu vực FDI mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, trên 80%, cho thấy tỷ lệ nội địa hóa và lan tỏa thay đổi không đáng kể. Tính sơ lược dựa vào thông tin năm 2015, tỷ lệ nội địa hóa cao nhất là 22%(3).

Đầu tư nước ngoài hầu hết là sử dụng lao động giá rẻ và không có chuyển giao công nghệ

kinh te phu thuoc fdi nhung he luy

Đầu tư vốn trên mỗi lao động của doanh nghiệp FDI rất thấp, thấp hơn cả doanh nghiệp tư nhân trong nước. Số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) về kết quả sản xuất doanh nghiệp 2010-2014 đã phản ánh điều này. Năm 2014, số lao động bình quân được sử dụng trong một doanh nghiệp FDI là 312 chỉ bằng một nửa của doanh nghiệp nhà nước trung ương và hơn doanh nghiệp nhà nước địa phương một chút, nhưng vốn bỏ ra trên mỗi một lao động lại rất thấp, thấp hơn cả doanh nghiệp tư nhân trong nước (1,1 tỉ đồng so với với 1,4 tỉ) và bằng 25% doanh nghiệp nhà nước. Vốn thấp như thế thì không thể có công nghệ cao, vì vậy chuyển giao công nghệ đã không xảy ra.

Về chuyển giao công nghệ, phải xét đến hai mặt: (1) nhà đầu tư nhận ra tiềm năng lao động công nghệ cao ở Việt Nam nên hướng sản xuất và đào tạo về đó, (2) đồng thời Chính phủ Việt Nam phải thực hiện được kế hoạch nâng cao giáo dục về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là giáo dục đại học để có thể tiếp nhận công nghệ mới. Cả hai mặt đều không nằm trong ý thức của chính quyền và nhà đầu tư (trừ một số rất nhỏ như Intel).

Mức thặng dư trong cán cân xuất nhập khẩu chỉ đủ để trả lãi cổ tức cho doanh nghiệp FDI

Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cho đến nay thực chất chỉ là tận dụng giá nhân công thấp để làm giàu, và đóng góp không đáng kể vào việc chuyển giao công nghệ cũng như quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Hiện nay lợi nhuận của doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài có thể chuyển ra nước ngoài khoảng 12 tỉ đô la Mỹ, vừa bằng số xuất siêu do họ tạo ra và gần bằng số FDI tăng lên hàng năm.

Theo tính toán của tác giả, từ năm 1998 đến cuối năm 2014, tổng số vốn FDI theo giá ghi sổ là 141,9 tỉ đô la Mỹ (tính lại theo giá năm 2014)(4). Và dựa vào giả thiết là đời sống tạo ra sản phẩm của suất đầu tư nước ngoài kéo dài 15 năm (theo tính toán của các nhà đầu tư trên thế giới hiện nay), giá trị còn lại sau khi trừ khấu hao lũy kế tính vào cuối năm 2014 là 69 tỉ đô la Mỹ(5). Với lợi nhuận theo điều tra doanh nghiệp là 11,7 tỉ đô la Mỹ, như vậy tỷ lệ lợi nhuận là 16,9% một năm (tỷ lệ dựa vào báo cáo, và thuế lợi nhuận phải trả là 20%, cuối năm 2014).

Dựa vào tỷ lệ lãi suất trên, lãi năm 2017 ước lượng là 14,9 tỉ đô la Mỹ. Lãi có thể chuyển ra sau khi đóng thuế là 12 tỉ đô la, và số thực chuyển ra theo cán cân thanh toán năm 2017 là 10,3 tỉ đô la. Như vậy có thể thấy mức cổ tức có thể chuyển ra ngoài cũng bằng mức xuất siêu mà đầu tư nước ngoài đưa tới.

Hậu quả của việc thu hút FDI bằng mọi giá

Lấy lý do tạo điều kiện dễ dàng cho đầu tư, chính quyền một số địa phương sẵn sàng thu hồi đất của dân với giá rẻ và chuyển cho nhà đầu tư, không chỉ nước ngoài mà cả trong nước. Càng thu hồi nhiều đất thì càng được lại quả nhiều. Kết quả là những công ty tư nhân sân sau được mở ra cơ hội để cung ứng dịch vụ.

Nhưng về dài lâu, với việc sử dụng robot trong sản xuất, không chỉ là robot giản đơn mà là robot thông minh, ở nhiều nước phát triển để tăng khối lượng, cạnh tranh về giá và chất lượng với Trung Quốc và các nước đang phát triển, họ có thể lấy lại việc làm đã và đang được xuất khẩu sang các nước như Việt Nam.

Trung Quốc hiểu rõ điều này nên đã đề ra các chương trình phát triển công nghệ cao, và chuyển các nhà máy công nghệ thấp sang Việt Nam. Hiện trạng công nghệ thấp dựa vào lao động giản đơn giá thấp có lẽ sẽ không dài vì không thể cạnh tranh với việc sản xuất dựa vào robot. Nếu không nhận thức rõ điều này, Việt Nam sẽ bị bỏ rơi lại đàng sau. Nói tóm lại khẩu hiệu công nghiệp hóa ngày càng lỗi thời. Vấn đề là công nghiệp gì?

Xem thêm

Vũ Quang Việt