Kinh tế Malaysia năm 2020: Nhu cầu nội địa là 'đầu kéo'
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do bên ngoài tồn tại nhiều nhân tố không xác định, khiến tăng trưởng kinh tế Malaysia năm 2020 sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu trong nước.
Vào trung tuần tháng 10/2019, Bộ Tài chính Malaysia đưa ra Báo cáo Triển vọng Kinh tế 2020, chỉ rõ rằng trong năm này, Chính phủ Malaysia sẽ tăng chi tiêu, thúc đẩy kinh tế để khôi phục vị thế “con hổ châu Á” của nước này.
Trên thực tế, từ sau khi giành được thắng lợi tại cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 diễn ra hồi tháng 5/2018, chính phủ mới do Liên minh Hy vọng (PH) cầm quyền ở Malaysia đã tích cực thực hiện chính sách hiệu quả cao, minh bạch và giải trình trách nhiệm (CAT) trong lĩnh vực quản trị; áp dụng nhiều biện pháp để cải cách và hoàn thiện cơ cấu nhằm lấy lại niềm tin của người dân vào chính quyền.
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mahathir Mohamad, Chính phủ mới do Liên minh Hy vọng cầm quyền đã đưa ra Tầm nhìn Thịnh vượng chung 2030, nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, xây dựng môi trường kinh doanh tốt đẹp và giảm gánh nặng sinh hoạt cho người dân.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chứa đựng nhiều nhân tố không xác định, tăng trưởng bắt đầu đi xuống từ giữa năm 2018, môi trường thương mại đối mặt với không ít thách thức.
Với một quốc gia phụ thuộc lớn vào xuất khẩu như Malaysia, việc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 4,6% trong 3 quý đầu năm 2019 quả thực không dễ dàng và đáng để ngợi khen.
Về tương lai, Báo cáo Triển vọng Kinh tế 2020 của Malaysia chỉ rõ tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ giảm xuống mức 3,2% song tăng trưởng GDP của Malaysia sẽ duy trì ổn định ở mức 4,7% trong năm 2019 và cải thiện trong năm 2020, đạt 4,8%, chủ yếu nhờ đóng góp của sự gia tăng về nhu cầu trong nước, đặc biệt là trên phương diện tiêu dùng gia đình, do thị trường lao động ổn định và lạm phát thấp.
Trong lĩnh vực tiêu dùng tư nhân, dù tăng trưởng năm nay có thể giảm nhẹ, nhưng vẫn có thể loại bỏ được ảnh hưởng từ sự suy giảm về chi tiêu của chính phủ.
Dự kiến sang năm, đầu tư sẽ tăng mạnh do một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn được phục hồi và dòng vốn chảy mạnh vào các ngành dịch vụ, chế tạo. Đáng chú ý, trong năm 2020, Chính phủ Malaysia sẽ mở rộng chi tiêu. Cho nên, nền kinh tế nước này sẽ phát triển theo xu hướng đi lên.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức và chuyên gia lại có cái nhìn thận trọng về tương lai kinh tế Malaysia trong năm mới. Họ phổ biến cho rằng tăng trưởng của kinh tế Malaysia năm 2020 sẽ kém hơn năm 2019.
Trong đó, thấp nhất là dự báo của Hiệp hội Kế toán Anh và xứ Wales (ICAEW) thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Oxford, chỉ có 4%.
ICAEW cho rằng nhu cầu trong nước của Malaysia, đặc biệt là chi tiêu gia đình, không thể duy trì tăng trưởng trong thời gian dài. Cho nên, nhân tố bên ngoài sẽ tác động mạnh hơn tới nền kinh tế Malaysia, dự kiến tăng trưởng GDP sẽ giảm xuống còn 4% trong năm tới.
Quả thực, Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác thương mại chủ yếu của Malaysia. Bất cứ sự thay đổi nào trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Malaysia đều bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp.
Số liệu cho thấy, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia.
Trong 10 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 113 tỷ ringgit, chiếm 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Malaysia. Trong khi đó, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Malaysia với giá trị xuất khẩu đạt 78,9 tỷ ringgit, chiếm 9,6%.
Vì thế, việc ổn định nhu cầu trong nước, đặc biệt là bảo vệ tăng trưởng tiêu dùng cá nhân, sẽ trở thành nhân tố chủ chốt để thúc đẩy kinh tế Malaysia năm 2020.
Có quan điểm khá tương đồng, Ngân hàng Hồi giáo Malaysia (BIMB) dự đoán tăng trưởng GPD của Malaysia sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2020, chỉ còn 4,3% bởi người tiêu dùng thận trọng hơn trong hoạt động chi tiêu.
Theo chuyên gia kinh tế Mohd Afzanizam của BIMB, tăng trưởng tiêu dùng cá nhân ở Malaysia năm 2020 có thể chỉ đạt 6,5%, thấp hơn mức dự kiến 7,3% của năm nay và cũng thấp hơn mức bình thường là 7%.
Nguyên nhân là do tình hình làm ăn của doanh nghiệp không được tốt, người dân chịu gánh nặng chi phí sinh hoạt và đối mặt với viễn cảnh việc làm khó khăn. Những yếu tố này khiến khu vực tư nhân rơi vào tình trạng thiếu sức sống.
Để giải quyết vấn đề, chuyên gia Afzanizam tin rằng Chính phủ Malaysia có thể sẽ phải đưa ra nhiều chính sách mở rộng chi tiêu để chống lại tác động từ sự đi xuống của kinh tế toàn cầu.
Nhiệm vụ cấp bách trước mặt là phải nhanh chóng thúc đẩy các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn như Đường sắt kết nối bờ biển phía Đông (ECRL), Đường sắt cao tốc kết nối Kuala Lumpur và Singapore (HSR)…
Vốn cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng có thể có được thông qua việc phát hành trái phiếu do chính phủ bảo lãnh.
Ngoài ra, để kích thích kinh tế, năm 2020, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) có thể sẽ cắt giảm lãi suất qua đêm (ORR) ít nhất 25 điểm cơ bản.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/