|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia năm 2019 dự báo đạt 5 tỉ USD, thị trường Campuchia vẫn còn nhiều dư địa

09:41 | 23/11/2019
Chia sẻ
Với khoảng 17 triệu dân với nhiều ngành nghề tiềm năng như đầu tư nuôi chim yến, công nghiệp cơ khí, năng lượng tái tạo… Camphuchia đang muốn hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại Hội thảo tiềm năng hợp tác Việt Nam - Campuchia trong bối cảnh mới của Asean diễn ra ngày 22/11 tại TP HCM, các chuyên gia đều cho rằng cơ hội cho sự hợp tác và phát triển kinh tế của hai quốc gia là rất lớn.

Ông Sok Dareth, Tổng lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TPHCM cho biết tính đến tháng 9/2019 vốn đầu tư của Việt Nam vào Campuchia gần 3 tỉ USD. 

Đầu tư của Việt Nam vào Campuchia liên tục tăng trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, hạ tầng, bảo hiểm, dịch vụ và bán buôn bán lẻ.

Trong đó, TP HCM với vị thế dẫn dắt nền kinh tế khu vực phía Nam sẽ kết nối hiệu quả hơn hợp tác giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia, đồng thời thành phố luôn được đánh giá là đầu mối giúp xúc tiến giao thương cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đáng chú ý các hiệp định thương mại tự do, hiệp định song phương mà Việt Nam và Campuchia tham gia đang góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế hai nước phát triển. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2019 dự báo đạt 5 tỉ USD và tiếp tục đạt nhiều hơn trong thời gian tới.

"Các doanh nghiệp và các nhà đầu tư hãy sang để tìm hiểu và nghiên cứu thêm về tiềm năng to lớn cũng như cơ hội đầu tư tại Campuchia, có thể quyết định đặt vốn đầu tư hoặc kết hợp đầu tư chung với các nhà đầu tư của Campuchia, nhằm tranh thủ lợi ích tối đa từ mối quan hệ hợp tác song phương Campuchia và Việt Nam", ông Sok Dareth bày tỏ mong muốn.

fd2671f9ccab35f56cba

Ông Oknha Leng Rithy, cố vấn cao cấp phó thủ tướng Vương quốc Campuchia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NH.

Phân tích rõ hơn những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam, ông Oknha Leng Rithy, cố vấn cao cấp phó thủ tướng Vương quốc Campuchia cho rằng Việt Nam có thế mạnh kĩ thuật sản xuất nông nghiệp nhưng quĩ đất không nhiều, không có những vùng đất rộng. 

Đặc biệt, Đồng bằng Sông Cửu Long có những thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến thực phẩm là những lĩnh vực mà Campuchia mong muốn hợp tác, đầu tư lâu dài.

Theo đó nhiều ngành nghề kinh doanh cụ thể mà doanh nghiệp Việt có thể tìm đối tác, bàn bạc và triển khai sớm ở Campuchia như đầu tư nuôi chim yến, công nghiệp cơ khí, năng lượng tái tạo…. Đặc biệt, những phân khúc thị trường đầu tư ở Campuchia hiện rất thích hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam về qui mô vốn cũng như quản trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại diện Campuchia cũng cho biết thêm trong khuôn khổ hợp tác thương vận tải đường bộ và logistics hai nước thống nhất cho phép 500 chiếc ô tô qua lại tại các cửa khẩu và đang thảo luận để tăng lượng ô tô qua lại cũng như số lượng cửa khẩu…

Đặc biệt, nhằm chuẩn bị đáp ứng việc vận chuyển qua lại biên giới đang ngày tăng lên, sau khi dự án đường cao tốc kết nối TP HCM và thủ đô Phnôm Pênh giao nhau tại cửa khẩu Bavet - Mộc Bài… 

Chính phủ hoàng gia Campuchia nghiên cứu về tiềm lực trong việc kết nối đường sắt từ thủ đô Phnôm Pênh - TP HCM nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc vận chuyển, sự cạnh tranh thông qua việc cắt giảm chi phí vận tải và logistics và hướng tới xây dựng mô hình chợ đầu mối biên giới hai nước.

bf1736c28b9072ce2b81

Toàn cảnh Hội thảo tiềm năng hợp tác Việt Nam - Campuchia trong bối cảnh mới của Asean diễn ra ngày 22/11 tại TP HCM. Ảnh: NH.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Chi nhánh tại Cần Thơ, cho biết hiện nay hàng tiêu dùng Việt Nam được người dân Campuchia tin tưởng, đủ sức cạnh tranh với hàng Thái Lan. Do đó, cơ hội hàng Việt cạnh tranh trong thị trường 17 triệu dân là rất lớn.

Trong khi đó, đại diện Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM cho biết với diện tích vùng nguyên liệu lớn, nhưng Campuchia còn sản xuất theo kiểu truyền thống. 

Do vậy, doanh nghiệp Việt có thể đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng nhà máy để thu mua nguyên liệu nước này nhằm chế biến sâu hướng tới xuất khẩu, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

"Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ chế biến sâu. Trong khi đó, Campuchia có đất rộng, khu vực thuận lợi để sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ", ông Từ Minh Thiện, phó ban Quản lí Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM chia sẻ.

Bên cạnh đó, Campuchia thu hút lượng khách du lịch nước ngoài rất lớn, điều này rất phù hợp với phát triển nông nghiệp du lịch cũng như cần nghiên cứu phát triển mô hình "Chợ biên giới" giữa hai nước để thuận lợi cho việc đưa hàng qua lại, tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Với mục đích kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, Chương trình Caravan hành trình kết nối doanh nhân Việt Nam - Campuchia năm nay sẽ diễn ra từ 5 - 8/12, kết nối doanh nghiệp 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và 7 tỉnh, thành lớn của cả nước với doanh nghiệp Campuchia.

Caravan lần này, cũng được ghi nhận là một trong những caravan với kỉ lục nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam và Campuchia tham gia nhất.

Như Huỳnh