|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam - Campuchia kí kết 2 văn kiện pháp lí lịch sử về biên giới

21:39 | 05/10/2019
Chia sẻ
Sáng 5/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen đã chính thức kí kết 2 văn kiện pháp lí quan trọng ghi nhận thành quả 84% việc phân giới, cắm mốc sau hơn 36 năm đàm phán.

Đây là một dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng, làm nền tảng tiến tới hoàn thiện phân giới, cắm mốc 100% đường biên giới giữa 2 nước.

Sau khi hoàn tất việc phân giới, cắm mốc biên giới đất liền với Lào và Trung Quốc, việc ký kết được 2 văn kiện pháp lý xác nhận hoàn tất 84% phân giới, cắm mốc với Campuchia cũng là một bước lịch sử trong công tác biên giới của Việt Nam.

Nếu 16% còn lại được hoàn thiện sớm, Việt Nam có thể là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á có toàn bộ đường biên giới đất liền được pháp định.

Việt Nam - Campuchia ký kết 2 văn kiện pháp lý lịch sử về biên giới - Ảnh 1.

Công tác phân định biên giới thiêng liêng đã được hai bên đàm phán trên tinh thần tin tưởng và hữu nghịẢnh Quang Phúc

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam và Campuchia dài khoảng 1.245 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia.

Trên cơ sở 2 hiệp ước đã ký kết năm 1985, bổ sung năm 2005, hai nước đã triển khai công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền từ đầu năm 1986.

Trên toàn tuyến có 41 cặp cửa khẩu (trong đó có 10 cặp cửa khẩu quốc tế) đang hoạt động.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia luôn là những điều thiêng liêng của mỗi dân tộc, ẩn sâu trong tâm trí của mỗi người dân.

Việt Nam - Campuchia ký kết 2 văn kiện pháp lý lịch sử về biên giới - Ảnh 2.

Lễ ký kết lịch sử có sự chứng kiến của lãnh đạo 2 nướcẢnh Quang Phúc

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Việt Nam, Campuchia luôn là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ gắn bó từ lâu.

Việc cùng nhau hợp tác hữu nghị phân định biên giới, vạch rõ “bờ cõi núi sông” cho muôn đời sau có ý nghĩa sâu sắc và là trách nhiệm cao cả không chỉ với các thế hệ các nhà lãnh đạo mà cả với mọi người dân hai nước.

Cùng với các văn kiện pháp ý về biên giới đã ký kết từ trước, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai văn kiện ký kết hôm nay sẽ tạo khung pháp lý quan trọng để quản lý và phát triển đường biên giới hai nước, vừa bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vừa thúc đẩy hợp tác phát triển, giữa hai bên, qua đó xây dựng đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Việt Nam - Campuchia ký kết 2 văn kiện pháp lý lịch sử về biên giới - Ảnh 3.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lễ ký kết hôm nay là tuyên bố mạnh mẽ với khu vực và thế giới của 2 quốc gia có chủ quyền quyết tâm hợp tác bình đẳng, cùng có lợiẢnh Quang Phúc

“Lễ ký trọng thể hôm nay là tuyên bố của hai quốc gia độc lập, có chủ quyền, là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia về ý chí, quyết tâm hợp tác, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của nhau, bình đẳng cùng có lợi, vì hạnh phúc và phồn vinh của nhân dân hai nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định, lễ ký kết hai văn kiện lịch sử hôm nay đã minh chứng rõ ràng tiến độ giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước đã tiến một bước đáng tự hào.

“Đó cũng là sự nỗ lực, cố gắng của ngài Thủ tướng Việt Nam và tôi, cùng với Ủy ban Hỗn hợp biên giới và chính quyền các cấp của hai nước trong 14 năm qua, kể từ sau khi ký kết Hiệp định bổ sung vào năm 2005 cho tới nay”.

Thành tựu to lớn trong công tác phân giới, cắm mốc mà hai nước đạt được xuất phát từ sự nỗ lực trong việc tìm kiếm giải pháp chung dựa trên tình hữu nghị, tình nghĩa anh em, sự cảm thông lẫn nhau và là người bạn mấy chục năm qua.

Thủ tướng Hun Sen kêu gọi chính quyền địa phương cũng như công dân hai nước hãy cùng nhau giữ gìn và bảo vệ cột mốc biên giới một cách bền vững, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển để làm cho của người dân hai nước mãi mãi ấm no, hạnh phúc.

Liên quan đến 16% biên giới chưa được phân giới, cắm mốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc để sớm hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên toàn tuyến, “trên cơ sở sự hiểu biết lẫn nhau, tình cảm, trách nhiệm giữa hai đất nước, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là các điều ước quốc tế có liên quan được ký kết giữa hai nước chúng ta”.


16% trên bao gồm 6 khu vực chưa hoàn thành hoán đổi đất theo mô hình MOU - biên bản ghi nhớ về điều chỉnh biên giới đường bộ tồn đọng hai nước ký năm 2011 (5 khu vực tại Long An - Svay Riêng và 1 khu vực tại Gia Lai, Đắk Lắk - Rattanakiri, Mondulkiri); và 7 đoạn biên giới chưa phân giới, cắm mốc tại các cặp tỉnh Gia Lai - Rattanakiri; Đắk Nông - Mondulkiri; Tây Ninh - Svay Rieng; An Giang - Kandal; Kiên Giang - Kampot. 

Vũ Hân