Kiều hối giảm, ai lo?
Ảnh minh họa.
Theo chuyên gia kinh tế của HSBC Izumi Devalier, 70% kiều hối được rót vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, do tình hình tăng trưởng thu nhập của người Việt, cộng thêm tầng lớp trung lưu đang ngày một đông đảo. Vì thế, lượng kiều hối tạo nên một nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, có tới 1/5 lượng kiều hối trong năm 2015 đã chảy vào bất động sản, tương ứng khoảng hơn 2,5 tỷ USD mỗi năm.
Chính vì thế, kiều hối bất ngờ lần đầu tiên sụt giảm trong năm 2016 gây lo ngại cho giới bất động sản Việt Nam. Bởi vì, đây thực sự là một luồng tiền đáng kể cho thị trường địa ốc, nhất là khi có biến động do Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng cho vay mua nhà. Tất nhiên, việc suy giảm bất ngờ của kiều hối gây ra những ưu tư lớn khác. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tính đến tháng 11.2016, lượng kiều hối chuyển về Thành phố chỉ mới là 4,36 tỷ USD. Ước tính trong năm 2016, lượng kiều hối về TP.HCM chỉ có thể đạt 5 tỷ USD.
Thông thường, lượng kiều hối của TP.HCM chiếm khoảng một nửa lượng kiều hối của cả nước. Như vậy, tính chung trong năm 2016, lượng kiều hối từ nước ngoài chuyển về Việt Nam chỉ khoảng 9 -10 tỷ USD. Mức này kém khá xa so với con số 12,2 tỷ USD đạt được vào năm 2015. Nhưng không chỉ có Việt Nam chứng kiến kiều hối suy giảm, mà nhiều quốc gia ở châu Á cũng chịu chung tác động như Ấn Độ, Bangladesh.
Trong nhiều năm nay, kiều hối được xem là có tầm ảnh hưởng tương tự như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay vốn vay ODA nhờ quy mô lớn. Theo thống kê của Viện Kinh tế Quản lý Trung ương, chỉ trong giai đoạn 1999-2015, Việt Nam đã nhận được tổng cộng 120 tỷ USD kiều hối và nằm trong nhóm đầu các quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Hằng năm, một phần lớn nguồn kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất, bất động sản, hay thị trường chứng khoán, vàng... Đơn cử như vào năm 2014, theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, bất động sản thu hút được đến 52% lượng kiều hối. Con số này trong hai năm sau giảm xuống còn khoảng 21,6% nhưng vẫn hỗ trợ đáng kể đà tăng trưởng nói chung của thị trường bất động sản.
Với trung bình hơn 90% kiều hối đi vào sản xuất, kinh doanh và đầu tư bất động sản, nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối lâu nay trở thành một trong những nguồn vốn quan trọng để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, hỗ trợ dự trữ ngoại hối, giữ ổn định tỷ giá, làm tăng nguồn vốn đầu tư xã hội và giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Do đó, việc việc suy giảm hơn 2 tỷ USD của kiều hối chỉ tính riêng trong năm 2016 đặt ra những thách thức mới trong việc duy trì dòng vốn này trong năm nay và các năm tới.
Có một số lý do giải thích vì sao kiều hối lại suy giảm mạnh trong năm ngoái. Đầu tiên là sức hút ngược trở lại của nền kinh tế Mỹ - nơi cung cấp khoảng 60% tổng lượng kiều hối cho Việt Nam. Sau khi ông Donald J. Trump lên làm Tổng thống Mỹ, lãi suất và đồng USD có xu thế mạnh lên đáng kể khiến cho tâm lý giữ đồng USD tăng lên. Điều này làm giảm dòng chảy USD về Việt Nam.
Ngoài thị trường Mỹ, vốn đông kiều bào sinh sống, các thị trường lao động chủ chốt của Việt Nam trong năm qua như EU, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia... cũng gặp nhiều khó khăn, khiến cho lưu lượng ngoại hối gửi về nước cũng giảm so với các năm trước. Ngoài ra, giá dầu xuống thấp đã tác động đến nền kinh tế các quốc gia Trung Đông và Nga, khiến cho nguồn kiều hối từ thị trường tiềm năng này ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
Mặt khác, dòng kiều hối không đổ mạnh về nước cũng có thể do môi trường đầu tư, kinh doanh sản xuất trong nước không còn được thuận lợi như trước. Điển hình như trong năm 2016, các ngành có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản đều gặp rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Năm 2016, GDP của Việt Nam chỉ tăng trưởng khiêm tốn 6,21%, thấp hơn nhiều so với con số 6,68% của năm 2015.
Viễn cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nguy cơ không được thông qua, đi cùng với triển vọng khá ảm đạm của nền kinh tế thế giới càng khiến cho các nhà đầu tư thận trọng hơn với việc triển khai các kế hoạch đầu tư kinh doanh tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Để đối phó lại với thực trạng đi xuống của kiều hối, theo Tiến sĩ Trần Thị Mai Hương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách kiều hồi hiện hành, duy trì những ưu đãi cho người nhận kiều hối như nhận ngoại tệ, phí thấp và tạo niềm tin để khuyến khích dòng kiều hối về nước. Nhà nước cũng cần tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, xúc tiến tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu lao động.
Một điểm mới là kể từ khi Luật Nhà ở 2014 cho phép kiều bào mua nhà trong nước được Quốc hội thông qua, cả nước đã có hơn 7.000 kiều bào đứng tên sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó tập trung nhiều ở TP.HCM. Nhưng con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với quy mô của toàn thị trường!
Vì thế, theo Tiến sĩ Hương, Chính phủ cần tháo gỡ một số vướng mắc của Luật Nhà ở 2014 để thúc đẩy hơn nữa người nước ngoài và Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư tham gia hoạt động. Ngoài ra, theo Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), giai đoạn từ năm 2012-2013, tỷ lệ kiều hối được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh chiếm khoảng 30% tổng lượng kiều hối mà Việt Nam nhận hằng năm, nhưng đến năm 2014, tỷ lệ này sụt xuống chỉ còn 16%.
Sang năm 2015, con số vọt lên 70%. Sở dĩ lượng kiều hối được dùng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trồi sụt rất thất thường vì mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không ổn định. Ðây là lý do lượng kiều hối mà Việt Nam nhận hằng năm không được dùng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà chảy vào bất động sản, gửi ngân hàng lấy lãi hay chi tiêu.
Do đó, cần phải có chính sách rõ ràng và hợp lý để hướng dòng kiều hối vào sản xuất, kinh doanh để tạo tiền đề cho kinh tế phát triển. Qua đó, lại tiếp tục thu hút mạnh hơn dòng kiều hối.