|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kiều hối diễn biến tích cực

07:51 | 10/09/2019
Chia sẻ
Trong những năm gần đây, dòng kiều hối vào Việt Nam không ngừng gia tăng cả về số tuyệt đối và số tương đối so với GDP...
Kiều hối diễn biến tích cực - Ảnh 1.

8 tháng đầu năm 2019, đã có 3,65 tỷ USD kiều hối chuyển qua các TCTD trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong 8 tháng đầu năm 2019 đã có 3,65 tỷ USD kiều hối chuyển qua các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ước tính cả năm 2019, tổng lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh sẽ đạt 5,6 tỷ USD - tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Trong những năm gần đây, dòng kiều hối vào Việt Nam không ngừng gia tăng cả về số tuyệt đối và số tương đối so với GDP. Đó là một nguồn lực quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của một bộ phận người dân.

Không như vay nước ngoài, kiều hối là nguồn thu ngoại tệ ổn định, không hoàn lại, không lãi suất, không điều kiện, không tạo gánh nặng nợ nước ngoài cho nền kinh tế. Nguồn vốn này giúp đất nước giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài.

Bên cạnh đó, lượng kiều hối chuyển về nước tương đương với nguồn giải ngân vốn FDI, song không để lại nhiều hậu quả cho nền kinh tế như ô nhiễm môi trường, cạnh tranh với sản xuất trong nước… như nguồn vốn FDI. 

Một điểm tích cực nữa là do nguồn vốn này chảy thẳng vào khu vực dân cư, nên có tính thúc đẩy đầu tư tư nhân cao, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập cho các chủ thể nhận kiều hối và các chủ thể được hưởng lợi từ nguồn đầu tư kiều hối.

Các chuyên gia chia sẻ, nên hướng dòng kiều hối cho mục đích sản xuất kinh doanh và trở thành nguồn bổ sung vào dự trữ ngoại hối quốc gia. Vì về nguyên tắc, nguồn dự trữ ngoại hối phải đủ mạnh để hỗ trợ NHNN can thiệp vào thị trường ngoại hối, giữ ổn định cho tiền đồng và cho giá cả hàng hoá. 

Quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam ngày càng tăng, và đây là một trong những điều kiện để giữ ổn định thị trường ngoại tệ. NHNN cũng cho biết sẽ chủ động theo dõi diễn biến để kịp thời có những biện pháp điều hành linh hoạt, chủ động hỗ trợ ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ của nền kinh tế.

Với nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2018 đạt gần 16 tỷ USD (theo thông tin của Ngân hàng Thế giới - WB), WB dự báo năm nay lượng kiều hối tiếp tục chảy mạnh về Việt Nam. Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính nhận định năm nay, nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam tiếp tục sẽ khả quan. 

Vị này cũng cho rằng, cả yếu tố về chính sách điều hành tỷ giá khiến đồng Việt Nam tiếp tục giữ vững được sự ổn định hay việc Fed giảm lãi suất USD, đều tác động tích cực tới nguồn kiều hối chảy về Việt Nam.

Một chuyên gia kinh tế khác lại nhìn nhận, kể cả không có những tác động nói trên thì kiều hối về Việt Nam vẫn có khả năng tăng bởi kiều hối có tính cộng đồng của người Việt, tâm lý cuối năm luôn muốn gửi tiền về cho người thân trước dịp Tết Nguyên đán. 

Bên cạnh tỷ giá ổn định, phần lớn những kiều bào gửi tiền về, nhất là gửi tiền với mục đích để kinh doanh thì họ sẽ quan tâm nhiều hơn tới tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam để lựa chọn cơ hội đầu tư.

Đặc biệt, do lãi suất huy động USD đã được giảm về còn 0% từ mấy năm nay nên lượng kiều hối về Việt Nam thời gian gần đây không mang mục tiêu gửi tiết kiệm để lấy lãi, mà chủ yếu chuyển hướng sang đầu tư như: chứng khoán, bất động sản, mua cổ phần, cổ phiếu hoặc trực tiếp tạo lập DN mới...

Việc sản xuất, kinh doanh ngày càng hấp thụ dòng kiều hối có nhiều nguyên nhân. Trong đó phần lớn xuất phát từ nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, kéo theo nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Bên cạnh đó, việc Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do khiến Việt Nam có nhiều lợi thế trong kinh doanh với các đối tác tham gia hiệp định. 

Việc Việt Nam giảm nhiều loại thuế trong kinh doanh cho doanh nghiệp, cộng thêm vai trò của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đang dần khẳng định vị trí của mình… cũng kích thích dòng kiều hối đổ về mạnh hơn.

“Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng như các TCTD nước ngoài những năm qua đều có nhìn nhận tích cực về chính sách thu hút kiều hối của Việt Nam khi ngày càng có sự thông thoáng, tạo điều kiện cho kiều bào chuyển tiền về Việt Nam, bổ sung nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, tăng tiêu dùng và thúc đẩy gia tăng đầu tư...”, chuyên gia nhận định.

Những biện pháp của NHNN trong hạn chế rủi ro cho vay bất động sản sẽ tiếp tục tác động thị trường bất động sản năm 2019. Tuy vậy, điều này lại trở thành điểm lợi cho kiều hối. 

Vì nếu NHNN siết chặt tín dụng thì các nhà đầu tư sẽ buộc phải đi tìm nguồn đầu tư thay thế, trong đó có kiều hối. Song theo chuyên gia, đi cùng với đó, chính sách về đất đai cũng phải thay đổi để có thể kêu gọi nhiều hơn sự đầu tư mạnh mẽ của kiều bào vào bất động sản tại Việt Nam.

Song ở khía cạnh khác, TS. LS Bùi Quang Tín thận trọng hơn khi cho rằng, thị trường bất động sản đang không ổn định nên cũng có thể sẽ có những tác động tới việc đầu tư vào lĩnh vực này của kiều bào. Đó là chưa kể thị trường chứng khoán cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ chứng khoán toàn cầu khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có khả năng kéo dài. 

Nhà đầu tư sẽ có sự thận trọng hơn trong đánh giá lại nguồn đầu tư. Đó là chưa kể có không ít những dự án bất động sản vướng rủi ro về pháp lý, trong khi khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư ở nước ngoài rất hạn chế, đặc biệt là nhà đầu tư là kiều bào lớn tuổi.

Không phủ nhận lượng kiều hối chuyển về đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, giúp tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nguồn cung ngoại tệ quá dư thừa cũng có thể tạo ra áp lực cho nền kinh tế, và nếu hấp thụ một lượng lớn kiều hối, có thể khiến đồng nội tệ lên giá, ảnh hưởng cạnh tranh của hàng hoá trong nước.

Khuê Nguyễn