Kiến nghị áp thuế, giảm danh mục phế liệu nhập khẩu
Trao đổi với Báo giao thông, ông Âu Anh Tuấn (ảnh trên), Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, hiện số lượng container tồn đọng tại cảng biển khai báo là phế liệu và hàng đã qua sử dụng nhập khẩu còn chưa tới 10 nghìn container, giảm trên 50%. Số còn lại vẫn đang được tiếp tục rà soát xử lý.
Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến số lượng container phế liệu tồn tại cảng Việt Nam trong thời qua nhiều như vậy?
Thời gian trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 27, các hãng tàu chở hàng và dẫn hàng vào cảng, mở tờ khai rồi mới làm thủ tục hải quan. Lúc đó, các cơ quan quản lý, nhất là Hải quan mới thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Nếu đạt các điều kiện đó, lô hàng mới được thông quan.
Do quy định như vậy nên các DN cứ mang phế liệu vào cảng biển, kể cả chất thải không đạt tiêu chuẩn cũng mang vào cảng biển khiến các cơ quan quản lý mất rất nhiều chi phí để xử lý. Điều này diễn ra trong bối cảnh một số nước trong khu vực đã cấm nhập khẩu phế liệu, đặc biệt phế liệu nhựa dẫn tới số lượng ùn về cảng nhiều.
Các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Hải quan đã có biện pháp nào để xử lý vấn đề này?
Để ngăn chặn từ xa, cơ quan Hải quan đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là Công văn 4202. Trong đó đưa ra quy định đối với hàng đưa vào lãnh thổ Việt Nam trước khi chất hàng, hạ bãi xuống cảng phải đáp ứng các điều kiện quy định, như: DN phải được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường mới được phép nhập khẩu; phải ký quỹ...
Nếu là chất thải thì cơ quan hải quan không cho hạ bãi và yêu cầu vận chuyển ra ngay. Việc này đã hạn chế được lượng phế liệu nhập khẩu trong thời gian vừa qua.
Còn số lượng phế liệu không đáp ứng được yêu cầu quy định, quy chuẩn tồn tại cảng biển là do tồn tại từ giai đoạn trước những năm 2018, trước khi Thủ tướng ban hành chỉ thị 27 và cơ quan Hải quan ban hành Công văn 4202.
Khi DN khai trên hệ thống, cơ quan Hải quan sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát xem họ có đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, phế liệu nhập khẩu có nằm trong danh mục được phép nhập khẩu hay không. Bên cạnh đó, số lượng nhập khẩu phải phù hợp với hạn ngạch còn lại trên giấy phép mà Bộ TN&MT cấp thì cơ quan Hải quan mới cho hạ bãi.
Phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tại cảng Cái Mép. Ảnh: IT
Thời gian tới, các cơ quan chức năng có áp dụng thêm các biện pháp mạnh tay hơn để xử lý dứt điểm tình trạng này không, thưa ông?
Cơ quan Hải quan đã kiến nghị Chính phủ và Bộ TN&MT rà soát quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn, quy định rõ các điều kiện, chủng loại phế liệu được phép nhập khẩu, tiêu chuẩn quy chuẩn; hạn chế tối đa hàng hóa phế liệu không được phép nhập khẩu.
Cơ quan Hải quan không khuyến khích nhập khẩu những chất được loại ra từ quá trình sản suất từ nơi khác về Việt Nam xử lý, ảnh hưởng môi trường hiện tại và thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, nếu cho phép nhập khẩu thì phải quy định điều kiện, đồng thời đưa ra mức đặt cọc cũng như ký quỹ đủ để nếu phát sinh sự cố môi trường thì xử lý, tránh tình trạng DN nhập khẩu về rồi cơ quan Nhà nước phải bỏ tiền ra xử lý.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã kiến nghị Bộ TN&MT thu hẹp danh mục phế liệu được phép nhập khẩu và khối lượng cấp phép theo hướng năm sau ít hơn năm trước, khuyến khích các DN sử dụng nguồn nguyên liệu sạch thay thế nguồn phế liệu nhập khẩu để sản xuất. Nếu tiếp tục tình trạng này, Việt Nam có nguy cơ bị biến thành nơi xử lý các phế liệu của các nước thải ra.
Chúng tôi cũng kiến nghị đưa ra các giải pháp về thuế. Phế liệu hiện chưa nằm trong danh mục phải nộp thuế bảo vệ môi trường (BVMT) trong khi một số hàng hóa nhập khẩu mới khác như túi nylon thì lại thuộc danh mục nộp thuế BVMT trường mới.
Do vậy, Bộ Tài chính đang kiến nghị Quốc hội đưa sửa Luật Thuế BVTM vào chương trình họp thời gian sáp tới, để đưa mức thuế BVMT áp dụng với phế liệu nhập khẩu ngăn chặn tình trạng nhập phế liệu về để làm nguyên liệu sản xuất mà không chịu thuế, DN đã lợi dụng như thời gian qua.
Cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ xa, thực hiện kiểm tra tránh tình trạng các DN nhập khẩu không sử dụng lại bán cho các làng nghề không có điều kiện xử lý môi trường dẫn tới tình trạng ô nhiễm.
Cảm ơn ông!