|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khuyến cáo doanh nghiệp sớm chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch

20:50 | 14/02/2020
Chia sẻ
Để giảm ách tắc hàng hóa, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ việc xuất khẩu theo hình thức chính ngạch.
Khuyến cáo doanh nghiệp sớm chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch - Ảnh 1.

Trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại diện Bộ Công Thương, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và có tác động nhiều mặt tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trái cây.

Do đó, các lô hàng nông, lâm, thủy sản và trái cây Việt Nam mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ sẽ chậm hơn nhiều so với thời gian trước do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu, Bộ Công Thương khuyến cáo, kêu gọi các doanh nghiệp… theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…

“Cục Xuất nhập khẩu đã và đang chỉ đạo các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho các lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Khuyến cáo doanh nghiệp sớm chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã ký hợp đồng với địa phương để hỗ trợ tiêu thụ nông sản. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trước đó, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các Hiệp hội ngành hàng nông, lâm, thủy sản và Sở Công Thương các tỉnh cùng Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc nhằm phối hợp triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 224/CĐ-TTg.

Cụ thể, tại công điện số 224/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với các đề xuất, kiến nghị của Bộ Công Thương về việc tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km3+4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh theo quy định của pháp luật, trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh đối với người điều khiển và phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hiện Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp để tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới đồng thời chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản và trái cây trong giai đoạn hiện nay.

Đức Duy

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.