Không thuốc đặc trị, vẫn chữa được nCoV
Song nhiều câu hỏi đặt ra, nCoV hiện chưa có vắc xin phòng ngừa, chưa có thuốc đặc trị, vậy tại sao bệnh nhân khỏi bệnh?
Điều chỉnh các loại thuốc phù hợp
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), nhớ lại quá trình điều trị cho 2 bệnh nhân là hai cha con người Trung Quốc.
Lúc đến nhập viện, ông Li Zing trong tình trạng ho, khó thở, tức ngực và không tự đi lại được, ăn uống kém, lừ đừ. Bệnh nhân này bị nặng là do có 4 bệnh nền: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành đã đặt 3 stent, ngoài ra bị ung thư phổi đã phẫu thuật đang hóa trị tại Trung Quốc.
Trên cơ địa một bệnh nhân quá nhiều bệnh nền và nguy cơ tử vong cao, BV Chợ Rẫy tiến hành hội chẩn chuyên khoa hô hấp; hội chẩn chuyên khoa nội tiết để điều chỉnh đường huyết; hội chẩn chuyên khoa tim mạch điều trị ổn định huyết áp; hội chẩn khoa tim mạch can thiệp ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim do bệnh nhân đang đặt stent (dùng thuốc kháng kết tập tiểu cầu).
Bên cạnh đó, bệnh nhân điều trị kháng sinh chống viêm phổi do vi trùng kèm theo trên cơ địa bệnh nhân đề kháng yếu. Điều trị là nhằm tăng sức đề kháng để bệnh nhân chống lại nCoV.
Một ngày sau đó dựa theo tình hình lâm sàng và kết quả các xét nghiệm mà các bác sĩ phải điều chỉnh các loại thuốc phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.
Tăng sức đề kháng để chống nCoV
Trả lời câu hỏi vì sao nCoV trong bệnh nhân N.T.T (25 tuổi, ngụ Thanh Hóa) được điều trị khỏi bệnh, trong khi không có thuốc đặc trị, bác sĩ Đào Xuân Tiến, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa, khẳng định chính cơ thể có sức đề kháng tốt, đến thời điểm, thời gian phù hợp, cơ thể sẽ tự đào thải hết nCoV và cho kết quả âm tính.
"Hiện nay đối với nCoV, chúng ta đang điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, là điều trị không đặc hiệu, bao gồm điều trị triệu chứng, điều trị suy các tạng, điều trị các biến chứng, nâng cao thể trạng và có thể là nâng cao sức miễn dịch của bệnh nhân. Đối với bệnh nhân T., chúng tôi không sử dụng thuốc kháng virus gì cả, chỉ dùng thuốc kháng sinh để chống bội nhiễm", bác sĩ Tiến nói.
Đối với nCoV trong bệnh nhân T., bác sĩ Tiến cho biết: "nCoV trong bệnh nhân T. bị tiêu diệt, là do cơ thể có sức đề kháng tốt, đến thời gian phù hợp thì cơ thể tự đào thải, nên bệnh nhân âm tính và khỏi bệnh".
Tương tự, nữ tiếp tân khách sạn L.T.T.H (25 tuổi, ngụ Khánh Hòa) cũng vừa được xuất viện, chia sẻ về việc điều trị ca bệnh nói trên, bác sĩ Nguyễn Đông, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, nói rằng BV đã áp dụng nhiều liệu pháp.
Việc điều trị chính vẫn là điều trị hỗ trợ, nghĩa là sử dụng thuốc men để hỗ trợ, điều trị từng triệu chứng bệnh. Cùng với đó, chú trọng nâng cao khả năng bảo vệ cơ thể của bệnh nhân bằng cách tăng đề kháng, ăn uống đủ chất.
Cùng quan điểm, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho rằng BV điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, do nCoV chưa có đặc trị nên chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ bệnh nhân được thở ô xy qua mask giai đoạn đầu, sau đó giảm dần lưu lượng ô xy.
Đồng thời kết hợp sử dụng kháng sinh để trị bội nhiễm vi trùng (có thể xảy ra) và tamiflu trị cúm, vì đây cũng là mùa cúm nên điều trị bao vây.
“Liều thuốc” tâm lý
Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Đông cho rằng liệu pháp tâm lý trong trường hợp này rất quan trọng. Người bệnh còn trẻ và là nữ, mắc một loại bệnh mới, nên rất hoang mang. Những ngày đầu, bệnh nhân gần như suy sụp.
Các y bác sĩ vừa chăm sóc tận tình, vừa nắm bắt tâm tư của người bệnh để động viên, để chị H. xóa tan sự lo lắng, an tâm điều trị.
Nói về liệu pháp tâm lý, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cũng nhìn nhận, “điều trị” tinh thần cho bệnh nhân là một trong những yếu tố quan trọng trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV, như quan tâm chăm sóc, lì xì, mời ăn bánh chưng bánh tét ngày tết...
Những hành động này tuy nhỏ nhưng rất hiệu quả trong ổn định tinh thần bệnh nhân.
“Thành công chung là phát hiện chăm sóc kịp thời ca bệnh nCoV, vừa kết hợp điều trị nâng đỡ, điều trị tinh thần, vật lý trị liệu. Còn thành công riêng với người bệnh Li Zing là BV đã phối hợp sức mạnh tập thể là 4 - 5 chuyên khoa như vậy thì mới cứu được bệnh nhân”, bác sĩ Thức nói.
Quan trọng là phát hiện sớm
Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho hay đến thời điểm hiện tại không có thuốc đặc trị nCoV, và trường hợp bệnh nhân N.T.T (25 tuổi, ngụ Thanh Hóa) khỏi bệnh phần nào nhờ phát hiện, cách ly điều trị kịp thời.
"Điều quan trọng nhất là phải phát hiện sớm, cách ly điều trị kịp thời. Đồng thời, tùy theo cá thể hóa của người bệnh để có những tác động điều trị, có can thiệp đúng mức diễn biến của bệnh.
Chúng tôi đã theo dõi bệnh nhân từng giây, từng phút, để nếu có biến chứng nào xảy ra, thì có biện pháp xử lý kịp thời, tránh dẫn đến bệnh nhân tình trạng nặng hơn, và có thể dẫn đến tử vong", ông Sỹ nói.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, hiện trên thế giới chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu cho nCoV, nhưng về bản chất đây cũng là một loại bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus dòng Corona gây ra.
Phần lớn các ca bệnh nặng hay tử vong là do bệnh nhân đến cơ sở y tế trễ, đặc biệt là bệnh xảy ra trên những bệnh nhân có bệnh mãn tính (như đái tháo đường, suy thận mãn, Lupus ban đỏ hệ thống...).
Mọi sinh hoạt, ăn uống đều do bệnh viện lo Ngày 7.2, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết BV đã nhận bà Hu XiaoLian vào ở để thuận tiện trong chăm sóc chồng. Bà Hu XiaoLian là vợ của bệnh nhân Li Zing (66 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) cùng người con là Li ZiChao (28 tuổi) vừa khỏi bệnh. Như vậy, hiện nay, BV Chợ Rẫy vừa điều trị cho ông Li Zing, vừa cưu mang vợ con ông này. Hiện 2 mẹ con bà Hu XiaoLian, Li ZiChao được bố trí một phòng trong khoa bệnh nhiệt đới, được liên hệ với người nhà trong phòng cách ly bằng điện thoại và theo dõi hình ảnh qua màn hình. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều do BV lo. |
|