|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

“Không thiếu tiền để xây dựng đường sắt tốc độ cao...”

20:58 | 18/11/2016
Chia sẻ
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng: Chúng ta không thiếu tiền để xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao bởi dự án sẽ tự sinh ra tiền nếu Chính phủ tận dụng hết tiềm năng...
khong thieu tien de xay dung duong sat toc do cao
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật đường sắt (sửa đổi).

Đa số các đại biểu cho rằng, hiện nay có thể nói hệ thống vận tải của Việt Nam đang chủ yếu là đường bộ, tiềm năng của đường sắt và đường thủy khai thác thấp. Trong khi đó, Luật đường sắt 2005 đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập... vì vậy, việc sửa đổi, xây dựng ban hành Luật đường sắt mới là hết sức cần thiết.

Góp ý kiến vào dự án này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) quan tâm tới dự án đường sắt tốc độ cao. Theo đại biểu này, cần bổ sung các quy định về đường sắt tốc độ cao trong luật để làm cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao.

Đại biểu Cảnh cho rằng, chúng ta không thiếu tiền để xây dựng đường sắt tốc độ cao, dự án sẽ tự sinh ra tiền.

Ông Cảnh giải thích: Dự án này không chỉ giúp phát triển ngành giao thông vận tải mà còn tạo ra diện mạo mới cho 21 địa phương mà nó đi qua. Nếu Chính phủ tận dụng hết tiềm năng mà dự án này mang lại thì chúng ta sẽ không phải vay vốn.

Theo đó, đại biểu này đề xuất trong dự án Chính phủ trình Quốc hội nên có một nội dung đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để Chính phủ xây ít nhất 21 khu đô thị tại các ga đường sắt khi đường sắt đi qua và 21 trung tâm thương mại tại các ga này.

Theo đó, tiền thu được sau khi bán đất nền thổ cư của các khu đô thị, tiền cho thuê mặt bằng các trung tâm thương mại này sẽ dành đầu tư cho dự án, trong đó có trích một phần cho dự án đầu tư hạ tầng xã hội.

Đại biểu Cảnh cho rằng, khi dự án không phải vay vốn, chúng ta cũng sẽ chủ động trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp mà không phải phụ thuộc vào bất cứ nước nào.Sau này, người dân sẽ được sử dụng đường sắt tốc độ cao với chi phí thấp do Nhà nước đầu tư.

Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng cho biết, điều cần quan tâm nhiều hơn là khi dự án triển khai Việt Nam có thể tham gia nội địa hóa được bao nhiêu phần trăm, dự án thực hiện xong có thể tự sửa chữa, tự bảo dưỡng, tự sản xuất phụ tùng thay thế hay không

"Hay khi hoàn thành chỉ có một đội ngũ được đối tác đào tạo hướng dẫn bấm nút chạy tàu, đến lúc hư hỏng cần bảo trì phải nhập thiết bị nhờ chuyên gia nước ngoài vào giúp, làm tốn kém tiền của không đáng?".

Theo đó, ông Cảnh cho rằng, việc cần thiết là phải có ngành công nghiệp đường sắt phát triển. Và để có được kết quả này thì phải có đầu ra tương đối lớn cho ngành công nghiệp đường sắt.

Trong khi đó, góp ý về dự án luật này, đại biểu Quốc hội Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đề nghị, cần bổ sung đối tượng ưu đãi trong hoạt động kinh doanh đường sắt ở Khoản 1 Điều 6 bao gồm cá nhân và tổ chức trong công nghiệp đường sắt không chỉ quy định qua tổ chức, cá nhân, đầu tư kinh doanh quốc gia, đường sắt đô thị.

Sự bổ sung này là cần thiết để khuyến khích cho hoạt động của đầu tư trong ngành công nghiệp đường sắt mà hiện tại cả nước mới chỉ có 3 doanh nghiệp.

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế( đồng tình với một số nội dung về kinh doanh đường sắt trong Chương VI, nhưng theo đại biểu các điều chưa quy định rõ ràng. Đại biểu đề nghị, phải làm thế nào có chương rõ cho tư nhân, doanh nghiệp đầu tư vào đường sắt, để đảm bảo đầu tư phải có hiệu quả.

Giải trình trước Quốc hội về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa đánh giá, các kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội ngày hôm nay cho thấy Quốc hội, các cơ quan, tổ chức và nhân dân đặc biệt quan tâm đến dự án luật điều chỉnh một phương thức vận tải đặc biệt là đường sắt, vốn là một phương thức vận tải hàng hóa và hành khách khối lượng lớn, hiệu quả, thân thiện với môi trường, còn rất nhiều tiềm năng để khai thác.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục cùng các cơ quan thẩm tra tổng hợp đầy đủ và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng trong dự thảo luật mà các vị đại biểu quan tâm. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu và tổng kết những vấn đề mà các vị đại biểu còn băn khoăn trong dự thảo luật, làm rõ thêm các vấn đề thuộc thẩm quyền của từng cơ quan hoạt động quản lý nhà nước về đường sắt.

N. Mạnh