|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Không nên 'lấy tĩnh chế động'

15:33 | 24/03/2018
Chia sẻ
Dù đã “tụt dốc không phanh” trong hai năm 2016 và 2017 nhưng giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta trong hai tháng đầu năm nay vẫn liên tiếp chạm đáy mới. Các nhà quản lý đầu ngành nông nghiệp đã đúng khi mở hội nghị toàn quốc bàn giải pháp phát triển bền vững cây trồng này. Thế nhưng áp dụng giải pháp nào thì cần phải tính toán thật kỹ.
khong nen lay tinh che dong Ông Đinh La Thăng: 'Bị cáo không quanh co, chối tội'
khong nen lay tinh che dong Luật PPP: Tại sao không ?

Tại hội nghị nói trên, có thể nói, căn cứ chủ yếu để các nhà quản lý ấn định mục tiêu giảm mạnh diện tích hồ tiêu là do chúng ta là tác nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng thừa cung trên thị trường thế giới.

Bức tranh hồ tiêu thế giới mà các nhà quản lý phác họa (sau đây gọi tắt là báo cáo) là: mức tăng sản lượng “khủng” năm 2017 của Việt Nam đã đẩy thị trường hồ tiêu thế giới rơi vào “thảm họa”. Bởi lẽ, với sản lượng 243.600 tấn ở thời điểm này, Việt Nam chiếm tới 47,8% tổng sản lượng 510.000 tấn của thế giới, tức là Việt Nam tăng đến gần 67.000 tấn so với năm 2015, còn phần còn lại của thế giới giảm 35.600 tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng của thế giới, theo báo cáo, chỉ khoảng 446.000 tấn.

Trong điều kiện như vậy, xét trên lý thuyết, giải pháp giảm mạnh diện tích hồ tiêu của Việt Nam từ gần 153.000 héc ta hiện nay xuống 120.000 và 100.000 héc ta trong giai đoạn 2020-2030 là thuận theo lẽ tự nhiên, vì không những bảo vệ lợi ích của chính mình, mà còn giúp “tháo ngòi nổ” cho cả cộng đồng sản xuất hồ tiêu thế giới.

khong nen lay tinh che dong

Mức tăng sản lượng “khủng” năm 2017 của Việt Nam đã đẩy thị trường hồ tiêu thế giới rơi vào “thảm họa”. Ảnh: T.L

Thế nhưng, đó chỉ là lý thuyết!

Các kết quả tính toán từ cơ sở dữ liệu của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, nếu Việt Nam khống chế được sản lượng như nói trên và phần còn lại của thế giới vẫn đạt nhịp độ tăng bình quân 2,91%/năm như trong bốn năm gần đây, tổng sản lượng hồ tiêu thế giới sẽ lần lượt là 626.000, rồi 671.000 và rồi 736.000 tấn vào các thời điểm 2020, 2025 và 2030.

Trong khi đó, nếu thị trường hồ tiêu thế giới năm 2016 ở thế cân bằng và nhu cầu sẽ tăng bình quân ở mức khiêm tốn 2%/năm thì chỉ có giai đoạn từ nay đến năm 2020 là cung lớn hơn chút ít so với cầu. Trong điều kiện cán cân cung - cầu như vậy, không có lý do gì để giá hồ tiêu thế giới tiếp tục tụt dốc trong trung hạn và sẽ tăng trở lại trong dài hạn.

Hơn thế, nếu coi hai năm 1996 và 2010 có giá chỉ bằng một nửa mức giá sốt nóng sau đó mấy năm là hai thời điểm thị trường hồ tiêu thế giới có cán cân cung - cầu thăng bằng thì nhịp tăng bình quân lên tới 4%/năm. Nếu vậy, sản lượng hồ tiêu thế giới nói trên ở giữa và cuối thập kỷ tới đương nhiên sẽ đẩy giá cả thị trường sốt nóng.

Trong điều kiện tương lai còn bất định như vậy, trên bình diện toàn cầu, giải pháp của các nhà quản lý không phù hợp với quy luật kinh tế, còn ở trong nước thì cũng khó khả thi.

Trước hết, trong nhóm bảy quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn hiện vẫn chiếm hơn 90% sản lượng của thế giới, Việt Nam và Malaysia có năng suất cao gấp 2,6-2,7 lần năng suất bình quân của thế giới; ngược lại, Ấn Độ và Indonesia là hai “điểm đen” ở chỉ số này. Điều đó cho thấy tồn tại hai thái cực khác nhau trong năng lực cạnh tranh quốc gia giữa hai nhóm nước trong tốp đầu sản xuất hồ tiêu.

Do vậy, việc “hy sinh” 50.000 héc ta hồ tiêu của Việt Nam, vốn có năng suất cao hơn Ấn Độ và Indonesia rõ ràng là phi quy luật kinh tế. Trong điều kiện giá giảm, đáng ra diện tích sẽ phải giảm trước hết là ở Ấn Độ, Indonesia, cũng như ở nhóm các quốc gia có năng suất quá thấp nói chung.

Còn trên bình diện quốc gia, mục tiêu giảm mạnh diện tích hồ tiêu của các nhà quản lý có lẽ cũng khó nhận được sự đồng thuận của nông dân. Sở dĩ vậy là vì ở thời điểm giá hồ tiêu xuất khẩu tiếp tục “tụt dốc không phanh” chỉ còn 3.661 đô la Mỹ/tấn như tháng 2 vừa qua, chi phí trồng hồ tiêu đang cao gấp 1,9 lần so với cà phê, gấp 10,7 lần so với cao su và hơn 70 lần so với điều. Đây chính là lực cản khiến nông dân không dễ gì triệt hạ vườn hồ tiêu của mình.

Trong khi đó, nhìn vào sơ đồ tuổi của hồ tiêu, có thể suy đoán diện tích tái canh năm nay chỉ là 3.000 héc ta, năm 2019 tăng lên 4.800 héc ta và năm 2020 tăng rất mạnh lên hơn 10.000 héc ta. Đây lại là diện tích của những nông dân có thâm niên trồng hồ tiêu ít nhất đã hai thập kỷ, đã thu lợi nhuận “khủng” trong nhiều năm, cho nên cũng không dễ gì để họ không khôi phục vườn cây đã là một phần rất quan trọng trong cuộc đời họ.

Không những vậy, nếu dự báo giá xuất khẩu 4.370 đô la Mỹ/tấn trong trung và dài hạn của các nhà quản lý là đúng, tỷ suất lợi nhuận của hồ tiêu sẽ tăng lên 63,7%, tức là nông dân trồng hồ tiêu vẫn “sống khỏe” thì các nhà quản lý đã tự mâu thuẫn với chính mình khi ấn định mục tiêu giảm mạnh diện tích hồ tiêu của nước ta.

Nói tóm lại, trong bối cảnh bức tranh hiện tại và đặc biệt là triển vọng của thị trường hồ tiêu thế giới còn rất nhiều điều đáng bàn như vậy, thay vì ban hành bản quy hoạch duy ý chí, giải pháp tối ưu có thể giúp phát triển bền vững cây hồ tiêu trong những năm tới mà các nhà quản lý cần làm là tận dụng bộ máy nhà nước để thu thập đầy đủ hệ thống dữ liệu về hồ tiêu thế giới và từ đó dự báo triển vọng phát triển với Việt Nam là trung tâm. Điều đó cũng có nghĩa là, Nhà nước sẽ chỉ giữ vai trò định hướng căn cứ vào sự phát triển của thị trường thế giới, còn trồng hay chặt cây gì vẫn là việc của nông dân như trước đây, trên cơ sở định hướng của Nhà nước.

Nguyễn Đình Bích