|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không còn thiếu hàng thiết yếu ở khu vực phía Nam

00:14 | 27/07/2021
Chia sẻ
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 26/7, tình hình cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh, thành phố phía Nam đã được cải thiện.
Không còn thiếu hàng thiết yếu ở khu vực phía Nam  - Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng nông sản Việt có giá bán khuyến mãi bày bán tại siêu thị TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN).

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, ngay sau khi Tp. Hồ Chí Minh thực hiện một số biện pháp tăng cường trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, từ 26/7, hàng ngày người dân không được đi ra đường từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau trừ trường hợp cấp cứu và điều phối chống dịch bệnh và từ ngày 27/7 người dân được phát phiếu đi mua hàng thiết yếu mỗi tuần 2 lần theo giờ quy định... , ngay sáng ngày 26/7 người dân đã đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua hàng rất đông.

Chính vì vậy, nhiều siêu thị phải phát phiếu hẹn giờ cho khách hàng vào siêu thị và nhiều khách hàng phải chờ trên 4 giờ từ lúc nhận phiếu mới đến giờ hẹn.

Qua kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường, hàng thực phẩm tươi sống tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các điểm bán bên ngoài dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu người tiêu dùng. Giá các loại rau, củ, quả không thay đổi so với ngày hôm qua.

Tương tự, tại tỉnh Bình Thuận, tính đến 12h trưa 26/7, giá một số mặt hàng thiết yếu giảm so với ngày 25/7. Cụ thể, thịt bò giảm 20.000 đồng/kg; cá quả, cá điêu hồng giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg; trứng gà ta, trứng vịt giảm 5.000 đồng/chục...

Tại các siêu thị Coop mart, Lotte, Mega Market, Trung tâm thương mại Vincom, Bách Hóa Xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hàng hóa dồi dào, đầy đủ, giá cả ổn định. Sức mua nhìn chung giảm so với những ngày trước; không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng.

Ngoài ra, các mặt hàng phục vụ cho phòng chống dịch COVID-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay sức mua tăng cao so với bình thường, lượng hàng hóa cung ứng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, giá cả không thay đổi. Tuy nhiên, các mặt hàng như: thuốc giảm sốt, thuốc huyết áp trên địa bàn bị thiếu hụt do nguồn cung từ nhà sản xuất bị hạn chế.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang, lực lượng cũng ghi nhận nguồn hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không thay đổi so với ngày 25/7. Tính đến ngày 26/7, chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Cùng với đó, trên địa bàn TP. Cần Thơ, các loại hàng hóa thiết yếu có tăng giá so với ngày 1/7, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng. Đặc biệt, từ sáng ngày 26/7, người dân không còn đổ xô đi mua các mặt hàng thiết yếu như những ngày trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Tại các tỉnh, thành phố khác, người dân hiện nay mua sắm chủ yếu là hàng thực phẩm thiết yếu. Sức mua ổn định hoặc giảm nhẹ so với những ngày trước đó, không có tình trạng nhiều người tập trung tại chợ và siêu thị để mua hàng. Hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch có nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Bên cạnh nhiệm vụ giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Cục Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam còn tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không kinh doanh hàng giả, vi phạm pháp luật khác và cử công chức phối hợp với lực lượng chức năng khác chống dịch.

Trong ngày, sau quá trình kiểm tra kiểm soát, giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã phát hiện, xử phạt một cơ sở kinh doanh tại mỗi tỉnh về hành vi không niêm yết giá.

Trước đó, để bình ổn thị trường hàng hóa của các tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường phải tăng cường lực lượng cho miền Nam nhằm kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm. Đồng thời, cam kết với người dân, với địa phương không để xảy ra hành vi nâng giá, găm hàng, trục lợi, hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng.

Uyên Hương