|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Không có chuyện phải 'giải cứu' sầu riêng

06:46 | 18/02/2020
Chia sẻ
Sau khi một số phương tiện truyền thông có tin hơn 40.000 tấn sầu riêng của tỉnh Tiền Giang chưa bán được, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu lại cho biết doanh nghiệp này gặp khó khăn để mua đủ lượng hàng đạt chất lượng xuất khẩu.
Không có chuyện phải 'giải cứu' sầu riêng - Ảnh 1.

Không có chuyện tồn đọng hơn 40.000 tấn sầu riêng ở Tiền Giang cần giải cứu. Trong ảnh là sâu riêng được trưng bày của một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Vừa qua, trên một số phương tiện truyền thông có thông tin giá sầu riêng ở Tiền Giang đã giảm xuống chỉ còn 28.000- 30.000 đồng/kg so với mức giá 55.000- 60.000 đồng/kg trước thời điểm bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) ở Trung Quốc. Có thông tin còn cho rằng, toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 40.000 tấn sầu riêng cần phải giải cứu vì không ai mua.

Đề cập đến thông tin nêu trên, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, trong cuộc trao đổi với TBKTSG Online cho rằng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 như hiện nay ít nhiều sẽ có tác động đến tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nhưng không đến mức tồn đọng sầu riêng cần phải giải cứu. “Nhưng, điều này đã có ảnh hưởng rất lớn đến việc mua bán, xuất khẩu loại sản phẩm này của Việt Nam”, bà cho biết.

Bà Thu cho biết, trong giai đoạn xuất khẩu có khó khăn, nếu (sầu riêng) được bán ra với giá hợp lý hơn cho thị trường nội địa, thì cũng không đủ để tiêu thụ. “Đi từ đầu Lạng Sơn đến Cà Mau, thì người ta vẫn có nhu cầu ăn sầu riêng với mức giá hợp lý, tiêu thụ còn không đủ, chứ lấy đâu tồn đọng như vậy?”, bà đặt vấn đề.

Một doanh nghiệp khác cũng xác nhận với TBKTSG Online rằng, tình hình thật sự không quá khó khăn đến mức riêng Tiền Giang tồn đọng, chưa bán được đến hơn 40.000 tấn sầu riêng, cần phải vào cuộc giải cứu. “Có thể có một số trường hợp cá biệt, chất lượng trái không đạt nên tiêu thụ có khó khăn thôi”, vị này nói.

Bà Thu cho rằng, trước thời điểm thu hoạch 10-15 ngày, thì đa số nhà vườn đã nhận cọc bán hết cho thương lái. “Có thể, có số ít trường hợp không bán chờ giá, nhưng đến khi thu hoạch đúng thời điểm gặp dịch bệnh, cho nên, tiêu thụ có khó khăn, thì có thể còn tồn đọng lại thôi”, bà giải thích, và cho rằng tình hình tồn đọng 40.000 tấn cần giải cứu là không đúng.

Theo bà Thu, doanh nghiệp của bà đang cần thu mua 10 container sầu riêng đạt yêu cầu để cấp đông xuất khẩu sang thị trường Mỹ với giá 45.000 đồng/kg (mua của nông dân), nhưng không có nguồn cung. “Tôi mua nửa tháng nay chưa được 2 container hàng nữa nè”, bà nói.

Tuy nhiên, bà Thu cho rằng, chính những thông tin sai lệch về việc tồn đọng 40.000 tấn sầu riêng đã có ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của những người trong ngành. “Các nơi ở thị trường trong nước và ngoài nước khi người ta nghe thông tin này, người ta nghĩ giá sẽ còn rớt thậm tệ hơn, ảnh hưởng khá lớn đến việc mua bán”, bà cho biết và nói rằng một số hệ thống siêu thị trong nước cũng liên hệ đặt vấn đề: tình hình khó khăn như vậy, tại sao không giảm giá?

“Thành ra, những thông tin đó vô tình gây ảnh hưởng, làm mất đi giá trị sản phẩm của mình, nhưng thực tế đâu có tới mức độ như vậy đâu”, bà Thu nói.

Trung Chánh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.