Không có chuyện Bắc Giang yêu cầu Foxconn cắt giảm 30% tiêu thụ điện
Ngày 21/5, tờ Reuters đưa tin chính quyền Việt Nam đã kêu gọi nhà cung cấp của Apple là Foxconn tự nguyện giảm sử dụng điện 30% tại các nhà máy lắp ráp thuộc các tỉnh miền Bắc.
Theo đó, nguồn tin của Reuters cho biết đây là đề nghị được gửi cho nhiều nhà sản xuất khác nhau với tính chất kêu gọi tiết kiệm, phòng ngừa và ngăn chặn tái diễn tình trạng thiếu điện của mùa hè năm ngoái. "Yêu cầu đối với Foxconn là khuyến khích, không phải là bắt buộc và chưa ảnh hưởng đến sản xuất", trích nguồn tin của Reuters.
Không có chuyện Bắc Giang khuyến khích doanh nghiệp cắt giảm 30% tiêu thụ điện
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang khẳng định lãnh đạo tỉnh không có chủ trương khuyến khích nhà cung cấp Foxconn của Apple tự nguyện giảm 30% mức sử dụng điện trong nhà máy trên địa bàn tỉnh.
"Có thể là một sự hiểu lầm. Không có yêu cầu cắt giảm nào hết", ông Hoàn phản hồi thông tin do Reuters đăng tải.
Về sử dụng điện, tỉnh có chủ trương tiết kiệm điện không cần thiết, tránh lãng phí. "Điều này khác hoàn toàn so với yêu cầu doanh nghiệp cắt giảm sử dụng điện trong sản xuất", ông Hoàn cho hay.
Foxconn thành lập từ năm 1974, có trụ sở chính ở Đài Loan (Trung Quốc) và được biết tới là nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà cung cấp hàng đầu cho Apple. Foxconn đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 2007, chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng và truyền thông.
Tính đến nay, Foxconn đã đầu tư 3,2 tỷ USD vào Việt Nam.Tại Việt Nam, các nhà máy của Foxconn chủ yếu tập trung ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Tháng 6/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án có tổng mức đầu tư hơn 246 triệu USD của Foxconn vào KCN Sông Khoai, tại KKT ven biển Quảng Yên.
Vị lãnh đạo cũng cho hay ngành điện báo cáo tình hình cung cấp điện năm nay tốt, hạn chế ảnh hưởng tới các công ty. Đồng thời, nêu rõ quan điểm tỉnh sẽ dành những ưu tiên tốt nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
Ngày 22/5 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát đi thông báo phản hồi về vụ việc trên. Theo đó, EVN khẳng định “cơ quan chức năng của Việt Nam kêu gọi một số doanh nghiệp ở phía Bắc tự nguyện giảm 30% mức sử dụng điện” là không chính xác.
Thông báo từ EVN cũng cho hay, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngay từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, EVN đã xây dựng các kịch bản cung ứng điện, thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Vì vậy từ đầu năm 2024 đến nay, việc cung ứng điện đã được đảm bảo tốt, EVN không có kế hoạch và không thực hiện tiết giảm nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết trong tháng 6 và các tháng tiếp theo của năm 2024, Tập đoàn đã cập nhật tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện và đã xây dựng các phương án, kịch bản điều hành hệ thống điện để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân trong mọi tình huống.
Có sự hiểu lầm trong việc yêu cầu doanh nghiệp giảm tiêu thụ điện
Cũng trong ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên đã có công điện gửi tới Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về sự hiểu lầm trong việc yêu cầu doanh nghiệp giảm tiêu thụ điện tự nguyện.
"Theo phản ánh của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trang mạng xã hội, có tình trạng các đơn vị điện lực yêu cầu các doanh nghiệp giảm tiêu thụ điện tự nguyện. Thông tin này đã gây hiểu nhầm trong dư luận xã hội về các giải pháp cung cấp điện đã được triển khai hiệu quả trong thời gian qua", công văn của Bộ Công Thương nêu rõ.
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết đã tập trung chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng kịch bản cung cấp điện và thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt dân sinh, đặc biệt là trong thời gian cao điểm. Cùng với đó, việc kiểm tra và giám sát thường xuyên về quản lý và vận hành hệ thống điện quốc gia cũng được tăng cường để đảm bảo an toàn, khoa học và hiệu quả.
Để tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung cấp đủ điện trong mọi tình huống, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đề nghị các cơ quan liên quan đưa ra các biện pháp cụ thể để đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, cũng như tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Trong chuyến công tác tới Việt Nam hồi tháng 4, CEO Apple, ông Tim Cook đã hứa hẹn sẽ tăng đầu tư tại Việt Nam, trong đó cam kết mua nhiều hơn linh phụ kiện do các đối tác sản xuất tại Việt Nam. Người đứng đầu Apple cũng cho biết đã hỗ trợ hơn 200.000 việc làm thông qua chuỗi cung ứng và nền kinh tế ứng dụng iOS. Tổng đầu tư của Apple tại Việt Nam từ 2019 đến nay đạt 400.000 tỷ đồng thông qua chuỗi cung ứng.
Trong danh sách nhà cung cấp chính thức của năm 2023, Apple cho biết số nhà máy sản xuất cho các nhà cung cấp của họ tại Việt Nam đã nâng từ 25 lên 35, trở thành "cứ điểm" lớn nhất cho hoạt động sản xuất thiết bị Apple tại khu vực Đông Nam Á.
Hồi tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài rằng sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện. Năm ngoái, thiếu điện xảy ra tại miền Bắc trong nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6 để lại nhiều ảnh hưởng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công Thương phải tăng kiểm tra, giám sát về quản lý, vận hành hệ thống điện quốc gia. Việc này nhằm đảm bảo hệ thống, gồm các nhà máy điện, hoạt động an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa sự cố, bảo đảm cung ứng đủ điện.