Không chạy đua số lượng, xuất khẩu gạo 2022 kỳ vọng 'bán ít thu tiền nhiều'
Doanh nghiệp tập trung ký đơn hàng cho mùa vụ mới
Những tháng cuối năm 2021, khi các quy định giãn cách được nới lỏng các doanh nghiệp đã tranh thủ tăng tốc sản lượng và giá trị xuất khẩu để hoàn thành mục tiêu 6,5 triệu tấn được đề ra, đồng thời dồn lực lên kế hoạch cho việc thu mua và ký kết đơn hàng mới cho năm 2022.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vụ lúa Đông Xuân 2021 – 2022 toàn vùng đồng bằng Sông Cửu Long xuống giống hơn 1,5 triệu ha và tập trung nhiều ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Long An, Đồng Tháp và Sóc Trăng.
Thông thường, tháng 1, tháng 2 hàng năm là thời điểm các doanh nghiệp ký kết đơn hàng nhiều nhất cho vụ chính của năm là vụ Đông Xuân. Năm nay, việc ký kết có phần thay đổi so với cách làm của nhiều năm trước đây.
Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Phước Thành IV, cho biết hợp đồng xuất khẩu cho năm mới được ký kết ngay trong mùa vụ và giao hàng trong vòng 15 ngày thay vì ký đón đầu như các năm.
So sánh với trước đây, theo ông Thành doanh nghiệp thường "bán trước mua sau", tức là ký hợp đồng với khách hàng rồi vào vụ mới mua lúa từ nông dân nhưng hiện nay Phước Thành và nhiều đơn vị khác đã chuyển sang cách "mua trước bán sau", nghĩa là doanh nghiệp sẽ mua vào trước khoảng 70-80% lượng gạo ước tính sẽ xuất trong mùa vụ đó với giá bao tiêu rồi mới ký hợp đồng với đối tác.
"Khoảng giữa tháng 1/2022 doanh nghiệp sẽ bắt đầu ký hợp đồng, kéo dài đến tháng 4, tháng 5. Lúc đó, mình đã biết giá thu mua nên thương lượng được giá sẽ bán ngay. So với trước đây, việc ký kết trong mùa vụ sẽ có giá tốt hơn, khách hàng sẽ không bị buộc phải nhận hàng khi giá thay đổi lớn do đã ký hợp đồng từ lâu", ông Thành chia sẻ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho rằng nhu cầu tiêu mặt hàng gạo trên thế giới tăng cao sẽ là cơ hội lớn cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022.
Minh chứng cho nhận định này, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, dự báo năm 2022 tình hình tiêu thụ gạo sẽ được cải thiện hơn khi các nước tăng cường nhập khẩu gạo để tăng cường an ninh lương thực trước làn sóng dịch COVID mới.
Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ (USDA) cũng dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2022 sẽ đạt 46,4 triệu tấn (xay xát), tăng 0,1 triệu tấn so với năm 2022.
Giá gạo Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng
Cùng với tín hiệu tích cực của thị trường, diễn biến giá cũng là một trong những yếu tố lạc quan của gạo Việt Nam trong năm 2022.
Số liệu của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết trong các tháng cuối năm 2021, giá gạo Việt Nam luôn duy trì ở mức cao hơn các nước khác.
Điển hình như ngày 1/12 giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 415 USD/tấn trong khi Thái Lan ở mức 381 USD/tấn, còn Ấn Độ và Pakistan có giá lầ lượt là 348 USD/tấn và 353 USD/tấn.
Theo các doanh nghiệp, xu hướng giá cả hàng hoá tăng cao do lạm phát kinh tế toàn cầu sẽ giúp giá gạo Việt Nam tiếp tục tăng thêm trong năm sau.
Phân tích về xu hướng này, ông Thành cho rằng nhiều năm tới giá gạo Việt Nam sẽ cao hơn giá gạo cùng chủng loại của nhiều quốc gia khác. Bởi thực tế, hiện nay Việt Nam đã lai tạo nhiều giống lúa phù hợp với thị trường.
Bên cạnh đó, khâu chế biến gạo cũng cải thiện hơn, người nông dân trồng lúa 3 vụ với sản lượng, chất lượng đồng đều nên khách hàng rất có lòng tin với gạo Việt Nam.
Mặc dù nhiều dự báo cho rằng vụ Đông Xuân 2021-2022 sẽ rất khó khăn do người nông dân phải gánh chi phí phân bón tăng cao ở mức 50 - 100%, khiến người trồng lúa không có lãi, nguy cơ họ sẽ bỏ vụ hoặc không chịu bán do giá thấp. Đây cũng sẽ là tình trạng chung của nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Bangladesh.
“Điều này đồng nghĩa cuối năm 2022 lượng lương thực toàn cầu sẽ giảm, các quốc gia sẽ tính toán tăng mua tạm trữ, từ đó làm cho giá gạo tăng cao", Giám đốc Công ty Phước Thành IV chia sẻ.
Trong khi đó, việc giá gạo Việt Nam tăng cao, được cho là một bất lợi về cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình đàm phán hợp đồng.
Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh giá phân bón tăng cao như hiện nay, vấn đề cạnh tranh giảm giá sẽ gây áp lực, bất lợi cho người trồng lúa, trong khi đó, với gạo Việt Nam đang có xu hướng tăng tốt và không còn chạy đua về mặt số lượng xuất khẩu sẽ là động lực cho người nông dân và doanh nghiệp đầu tư về mặt chất lượng.
"Mỗi loại gạo hiện đã có thị trường riêng như Thái Lan lợi thế cung cấp vào các thị trường mở và đấu thầu tự do, còn Việt Nam lợi thế vào các thầu chính phủ và thị trường qua nhà cung cấp thứ 3, do đó, việc giá xuất khẩu tăng cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam", ông Phan Văn Có chia sẻ.
Dự báo Việt Nam tụt hạng về lượng xuất khẩu, có đáng lo?
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, cho rằng lượng xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn, ước tính sẽ ở mức 6,3 triệu tấn.
Như vậy, so với mục tiêu của năm 2021, con số dự tính xuất bán của Việt Nam có phần sụt giảm khoảng 0,2 triệu tấn.
Dự báo này cũng trùng khớp với quan điểm của của USDA khi cho rằng xuất khẩu năm 2022 tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam sẽ giảm. Trong đó Việt Nam, sau hai năm liền đứng ở vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo toàn cầu sẽ đứng vị trí thứ 3 trong xuất khẩu gạo toàn cầu với lượng xuất khẩu 6,3 triệu tấn sau Ấn Độ và Thái Lan.
Trên thực tế, việc Việt Nam được dự báo đứng thứ 3 về khối lượng gạo xuất khẩu không quá bất ngờ. Bởi theo Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030” cũng đã định rõ đến năm 2025 lượng gạo xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn/năm.
Như vậy có thể thấy rõ chiến lược của ngành gạo rõ ràng đang giảm dần từ lượng sang chất nhằm tập trung nâng cao giá trị và thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đáng chú ý, chủ trương này đang được các thương nhân xuất khẩu gạo hưởng ứng tích cực qua việc chuyển dần tỷ trọng các loại gạo trắng sang gạo thơm chất lượng cao, có giá trị tốt hơn, đồng thời tập trung vào những thị trường có nhu cầu cao hơn về gạo chất lượng cao như EU, Mỹ, Nhật Bản…
"Trong hai năm gần đây, Việt Nam đang tập trung vấn đề làm sao để bán được giá. Có thể chỉ bán 5 triệu tấn/năm nhưng giá trị có thể cao hơn 6 triệu tấn nhờ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Mỹ, EU", ông Thành chia sẻ.
Đây cũng là lý do doanh nghiệp này đang nghiên cứu thị trường và hành vi tiêu dùng của khách hàng để chuyển sang xuất khẩu các loại gạo thơm và gạo chất lượng cao. Bởi so với các loại gạo trắng thông thường trước đây, giá gạo thơm cao hơn và có thị trường ổn định, không bị cạnh tranh nhiều.
"Các giống lúa Việt Nam có nhiều loại bán vào EU rất phù hợp, người tiêu dùng ưa chuộng như ST24, ST25. Do đó, cần phải đầu tư vùng trồng theo nhiều chỉ tiêu nghiêm ngặt của thị trường này trước khi đem sản phẩm xuất qua đây nhằm hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)”, ông Thành cho biết.