|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối tự doanh CTCK bán ra gần 640 tỉ đồng tuần qua, tập trung xả HPG nhưng mua ròng trăm tỉ ccq ETF nội

15:02 | 27/04/2020
Chia sẻ
Tuần 20 - 24/4, cùng với đà bán ròng chưa có hồi kết của khối ngoại, tự doanh CTCK cũng ghi nhận thêm một tuần bán ròng 307 tỉ đồng.

Trong tuần vừa qua, VN-Index không duy trì được nhịp hồi phục của các tuần trước đó mà vận động rung lắc trước ngưỡng kháng cự mạnh 800 điểm. Tuy vậy, trong những phiên giao dịch còn lại, nhờ tín hiệu tích cực từ việc dần gỡ bỏ giãn cách xã hội tại Việt Nam, thị trường giao dịch có phần khả quan hơn.

Lực cầu bắt đáy xuất hiện trong những nhịp điều chỉnh đồng thời giúp nâng đỡ chỉ số trước áp lực bán ròng chưa có hồi kết của khối ngoại. Cùng chiều khối ngoại, khối tự doanh cũng ghi nhận thêm một tuần bán ròng.

Thống kê giao dịch trong tuần 20 – 24/4, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua vào 332 tỉ đồng nhưng bán ra hơn 639 tỉ đồng. Theo đó, khối tự doanh xả 307,3 tỉ đồng với khối lượng 9,6 triệu đơn vị. Trong tuần, hoạt động bán ròng áp đảo tại tất cả phiên, tập trung nhiều nhất vào thứ Ba và thứ Tư.

Khối tự doanh bán ra gần 640 tỉ đồng tuần qua, tập trung xả HPG nhưng mua ròng trăm tỉ chứng chỉ quĩ ETF nội - Ảnh 1.

Top10 tự doanh mua/bán trong tuần. Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro

Chứng chỉ quĩ ETF nội dẫn đầu phía mua vào với giá trị hơn trăm tỉ đồng

Top10 mã được khối tự doanh mua vào, đáng chú ý có chứng chỉ quĩ E1VFVN30 ghi nhận giá trị cao nhất là 134,8 tỉ đồng. Đây cũng là mã duy nhất có giá trị giao dịch trong tuần trên trăm tỉ đồng.

Cùng với đó, khối tự doanh mua cổ phiếu MWG (61,35 tỉ đồng) trước thông tin ông Trần Kinh Doanh - Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động đã hoàn tất mua vào 720.000 cổ phiếu MWG như đăng kí trước đó. Thời gian giao dịch từ 27/3 đến 23/4/2020, phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh trên sàn.

Trước Tổng Giám đốc Trần Kinh Doanh, nhiều lãnh đạo khác của Thế Giới Di Động cũng đã công bố mua vào hàng trăm nghìn cổ phiếu MWG.

Cụ thể, trong thời gian từ 23/3 đến 21/4, ông Đặng Minh Lượm – Thành viên HĐQT, ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên HĐQT, bà Lý Trần Kim Ngân – Kế toán trưởng, ông Vũ Đăng Linh – Giám đốc Tài chính mua tổng cộng 115.000 đơn vị trên 490.000 cổ phiếu đăng kí.

Trước đó từ 27/3 đến 7/4, ông Trần Huy Thanh Tùng – Trưởng ban Kiểm soát đã mua vào 300.000 cổ phiếu MWG, bằng với số đã đăng kí.

Cũng liên quan đến cổ phiếu này, trong phiên 23/4, các quĩ thành viên của Dragon Capital đã chuyển quyền sở hữu 300.000 cổ phiếu MWG cho hai tổ chức tại Thái Lan. Cụ thể, quĩ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company đã chuyển nhượng 150.000 cổ phiếu cho quĩ đầu tư từ Thái Lan là Finansia Syrus Securities Public Company Limited; KB Vietnam Focus Balanced Fund cũng chuyển nhượng số lượng cổ phiếu tương tự cho KT Zmico Securities Company Limited.

Mặt khác, cổ phiếu CRE ghi nhận giá trị mua 39 tỉ đồng. Kết thúc quí I, CenLand công bố doanh thu thuần và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh so với cùng kì. Trong đó, doanh thu thuần đạt gần 270 tỉ đồng, giảm 30% so cùng kì; lãi ròng 42,2 tỉ đồng, giảm 47%.

Bên cạnh đó, khối tự doanh rót vốn vào cổ phiếu HPG (15,56 tỉ đồng), PVT (12,51 tỉ đồng), PAC (12,46 tỉ đồng), VPB (10,53 tỉ đồng). Ngoài ra, một số cổ phiếu cùng chiều mua vào nhưng ghi nhận giá trị dưới 10 tỉ đồng như MBB, VCB và TCB.

Tập trung xả HPG trước trong khi con trai Chủ tịch Trần Đình Long gom 20 triệu cổ phần

Ngược lại, Top10 mã chịu áp lực bán ra từ bộ phận tự doanh, dẫn đầu là cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát bất chấp kết quả kinh doanh quí I tăng trưởng. Theo đó, đạt doanh thu 19.450 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.305 tỉ đồng, tương ứng tăng 28% và 27% so với cùng kì 2019.

Mới đây, ông Trần Vũ Minh – con trai Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đã mua vào 20 triệu cổ phiếu HPG trong thời gian từ 27/3 đến 21/4, hoàn toàn qua phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, ông Minh sở hữu 40 triệu cổ phiếu Hòa Phát, tương đương tỉ lệ 1,45%.

Theo sau đó, bộ phận tự doanh rút vốn khỏi cổ phiếu FPT (67,86 tỉ đồng), MBB (42,98 tỉ đồng), REE (42,22 tỉ đồng), MWG (38,71 tỉ đồng) và PLX (37,38 tỉ đồng).

Liên quan đến cổ phiếu PLX, trước tình hình giá dầu thế giới giảm mạnh, điển hình giá dầu ngọt nhẹ Mỹ lần đầu tiên giảm xuống dưới 0 USD/thùng và chốt phiên ở mức âm 37,63 USD/thùng, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay giá xăng cơ sở không chịu ảnh hưởng.

Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng do hàng tồn kho đã mua ở mức giá cao trước đó. Mức giá thấp hay giảm hôm nay có tác động trực tiếp đến các lô hàng có ngày tính giá rơi vào thời điểm hiện nay.

Mặt khác, các cổ phiếu còn lại trong top bán ra tuần qua đều đạt giá trị trên 10 tỉ đồng. Đơn cử, khối tự doanh bán cổ phiếu VPB (28,6 tỉ đồng), VCB (27,37 tỉ đồng), HAX (20,13 tỉ đồng) và VNM (18,76 tỉ đồng).

Thông tin đáng chú ý liên quan đến cổ phiếu VNM, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) mới đây công bố kế hoạch mua khoảng 17,5 triệu cổ phiếu VNM, tương đương 1% vốn điều lệ của công ty, dung nguồn tiền từ quĩ đầu tư phát triển của công ty. Ngay sau thông tin này, cổ phiếu VNM đã có phiên tăng kịch trần lên 102.800 đồng/cp ngày 24/4.

Ánh Hường

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.