|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại tăng áp lực xả lên FPT

16:22 | 13/06/2024
Chia sẻ
Lũy kế 7 phiên từ 5/6 đến 13/6, khối lượng bán ròng của khối ngoại là 14,5 triệu cp, tương ứng với giá trị khoảng 1.959 tỷ đồng.

Khối nhà đầu tư nước ngoài duy trì áp lực bán ròng cổ phiếu FPT trong thời gian gần đây. Phiên 13/6, cổ phiếu công nghệ bị bán ròng 5,5 triệu cp, tương ứng với giá trị gần 722 tỷ đồng. Trước đó vào phiên 12/6, FPT cũng đã bị bán ròng 3,8 triệu cp, tương ứng với giá trị 495 tỷ đồng.

Lũy kế 7 phiên từ 5/6 đến 13/6, khối lượng bán ròng là 14,5 triệu cp, tương ứng với giá trị khoảng 1.959 tỷ đồng (trung bình khoảng 135.300 đồng/cp).

Tính đến hết 13/6, FPT “hở room” sở hữu nước ngoài gần 7 triệu cp. Gần nhất, FPT từng “hở room” vào các phiên 29/5, 30/5, 3/6 và 4/6 với khối lượng khoảng từ 600.000 đến 1,4 triệu cp, nhưng đã nhanh chóng “kín” trở lại sau đó.

Bị bán ròng 14,5 triệu cp nhưng chỉ “hở room” 7 triệu cp đến từ việc công ty vừa chốt quyền phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, FPT thông báo 13/6 là ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cp), thanh toán vào 20/6. Với gần 1,27 tỷ cp đang lưu hành, FPT cần chi 1.270 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Cộng với lần chi tạm ứng 10% vào tháng 7/2023, tổng tỷ lệ trả cổ tức năm 2023 là 20%.

13/6 cũng là ngày chốt quyền thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Theo đó, FPT sẽ phát hành thêm 190,5 triệu cp với tỷ lệ 20:3 (sở hữu 20 cp được nhận thêm 3 cp mới). Nguồn vốn trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại cuối 2023 trên báo cáo tài chính kiểm toán 2023 (hơn 8.600 tỷ đồng). Sau phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng từ 12.700 tỷ đồng lên 14.605 tỷ đồng.

Trên thị trường, FPT kết phiên 13/6 tại 130.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh), tăng 16% qua một tháng. Khối lượng giao dịch bình quân phiên gần 5,4 triệu cp. Đây là vùng giá cao kỉ lục của mã đại diện ngành công nghệ. 

Xuân Nghĩa